Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:

Sau 10 năm hợp nhất: Xứ Đoài có thích nghi với văn hóa Kinh kỳ?

TPO - “Sau 10 năm Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, cần đánh giá sự thích nghi về văn hóa giữa xứ Kinh kỳ Hà Nôi và xứ Đoài Hà Tây. Nhiều người nói rằng đấy là sự cưỡng bức, sau 10 năm rồi nhưng khó hoà nhập”, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.  
Cần đánh giá sự chênh lệch hạ tầng giữa trung tâm và các khu vực ngoại thành Hà Nội

Trao đổi với PV, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, sau chặng đường 10 năm sáp nhập Hà Tây về Hà Nội, rất cần thiết có những cuộc tổng kết, đánh giá xem những mặt được và chưa được để rút ra những bài học tới đây.

Theo ông Lê Thanh Vân, cái được sau 10 năm sáp nhập Hà Tây về Hà Nội là mô hình quản lý tập trung. “Trên thực tế chưa thấy có bất lợi nào trong quản lý về mặt hành chính. Bởi không gian địa lý Hà Tây và Hà Nội rất thuận lợi. Tổ chức giao thông tương đối đồng bộ. Không gian phát triển của Hà Nội sau sáp nhập có dư địa hơn”, ông Vân đánh giá.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Vân, có 2 yếu tố cần tính đến, trước tiên đó là sự thích nghi về văn hóa giữa xứ kinh kỳ Hà Nội và xứ Đoài Hà Tây.

“Gần như tâm lý xã hội và tôi gặp nhiều người nói rằng, đấy là sự cưỡng bức, sau 10 năm rồi nhưng khó hoà nhập”, ông Vân phản ánh.

Vấn đề thứ hai, theo đại biểu đó là sự chênh lệch về hạ tầng giữa trung tâm và các khu vực ngoại thành, đặc biệt ở các huyện phía Tây Hà Tây cũ, như Sơn Tây rất khó phát triển vì là đáy ở phía Tây, giao thương không thuận lợi. Hay với khu vực giáp Hoà Bình cũng vậy.

“Đi thực tế tôi thấy bà con phàn nàn, tuy về Thủ đô nhưng chưa phát triển được”, ông Vân cho hay.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Trên cơ sở đó, vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cần tổng kết, đánh giá mô hình quản lý, xem đã hợp lý chưa, thuận lợi khó khăn trong tổ chức hệ thống hành chính đã phù hợp chưa; đồng thời đánh giá sự thích nghi văn hoá khi hoà trộn ra sao.

“Chỉ sau khi đánh giá mới thấy việc sáp nhập đã hợp lý chưa, tầm xa hơn có thích nghi được không. Từ đó lấy kinh nghiệm để tổ chức lại các đơn vị hành chính ở những địa bàn khác”, ông Vân nêu.

Cũng đúc rút từ quá trình đi giám sát, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, đề xuất hợp nhất các bộ có nhiệm vụ tương đồng, các tỉnh có quy mô dân số nhỏ “hoàn toàn có cơ sở”.

Với việc sáp nhập tỉnh, đại biểu cho rằng, cần tổng rà soát lại về quy mô dân số, tiềm năng phát triển, lợi thế chính trị, kinh tế, địa lý…

“Tất cả cần phải có điều tra cơ bản để tính tới chuyện sáp nhập hoặc chia tách. Đặc biệt, mô hình quản lý đó phải phù hợp với ưu thế vượt trội của từng vùng”, ông Vân cho hay.

ĐB Lê Thanh Vân cũng cho biết, ngay từ khóa trước, ông đã đề nghị sáp nhập một số bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng, như Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính, Bộ GTVT với Bộ Xây dựng.

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cả Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. Một bộ xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một bộ thực thi tổ chức nguồn lực ấy nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách.

Theo ông Vân, sau khi sáp nhập hai bộ này, có thể lấy tên gọi Bộ Kế hoạch - Tài chính. Tương tự với Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, sau khi hợp nhất có thể gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.

Ở góc độ khác, đại biểu Vân cũng cho rằng, khi nói đến sáp nhập, các bộ, tỉnh sẽ “giật mình” vì đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của họ. Để tạo ra sự đồng thuận, theo ĐB, quan trọng nhất là nhận thức, phải làm cho họ thấu tỏ, thuyết phục, từ đó mới điều chỉnh hành vị.

“Tư tưởng đã thông thì đeo bình tông không thấy nặng. Khi nhận thức đã rõ thì đồng thuận sẽ cao”, ông Vân nhìn nhận.

Để giải bài toán này, theo ĐB Vân, cần xây dựng một đề án cụ thể, rà soát lại để phân loại, thiết lập các bộ chủ quản theo nhóm. Trên cơ sở đó có thể chia thành ba khối hành chính chính trị, hành chính công vụ và hành chính tư pháp.