Đó là nhận định của The Washington Times, mà theo tờ báo này, thiết kế Zircon là “bước nhảy vọt trong việc chế tạo vũ khí không đối xứng” của Nga và có khả năng chống tấn công hạt nhân.
Trước đó Nga đã thông báo về thử nghiệm đầu tiên của tên lửa siêu vượt thanh Zircon.
Theo chuyên gia Todd Wood, Zircon sẽ được Nga triển khai trên tàu tuần dương động cơ hạt nhân Piotr Veliky.
Chuyên gia này cũng thừa nhận, Nga và Trung Quốc đã tìm kiếm vũ khí không đối xứng có khả năng chiến thắng các hàng không mẫu hạm của Mỹ và bảo vệ đất nước trước đòn tấn công hạt nhân của quốc gia khác.
Zircon được Tập đoàn Vũ khí tên lửa (KTRV) phát triển ít nhất từ năm 2011 trước hết dùng để thay thế các hệ thống tên lửa chống hạm hạng nặng Granit và trang bị cho các tuần dương tên lửa viễn dương mới lớp Leader và các tuần dương hạm tên lửa nguyên tử hạng nặng lớp Projekt 1144 Orlan.
Tầm bắn của tên lửa có thể đạt 400 km, tốc độ gấp khoảng 5-6 lần tốc độ âm thanh. Tên lửa bắt đầu thử nghiệm bay vào tháng 2/2016 và sẽ được sản xuất loạt vào năm 2018.
Tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon được cho là có thể dễ dàng vượt qua lá chắn tên lửa hiện đại nhất hiện nay của Mỹ và phương Tây.
Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Nga Konstantin Sivkov khẳng định cho biết: “Do các tên lửa này bay theo quỹ đạo ‘cơ động’, có nghĩa là cực kỳ khó tiêu diệt chúng bằng các tên lửa dùng để tiêu diệt mục tiêu đường đạn không cơ động”.
Theo Viện sĩ, việc đưa Zircon vào trang bị “sẽ dẫn tới việc vai trò của lực lượng tàu sân bay Mỹ trong đối kháng trên biển sẽ bị suy giảm rất lớn so với các tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng của Nga mà dự kiến sẽ được trang bị các tên lửa này”.
Trước đó, một nguồn tin ngành đóng tàu Nga ngày 19/2/2016 tiết lộ Zircon sẽ được trang bị cho tuần dương hạm tên lửa nguyên tử hạng nặng Piotr Veliky.
Tàu này sẽ được đưa vào sửa chữa vào quý III hoặc cuối năm 2019 và việc hiện đại hóa sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022.