Những con số tăng trưởng về số doanh nghiệp thành lập mới như một tín hiệu vui cho nền kinh tế. Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhanh chóng bắt tay vào điều hành Chính phủ bằng những chuyến xuôi ngược đối nội, đối ngoại.
Thực ra, dịch bệnh Covid luôn là nguy cơ hiện hữu. Cách đây một năm, cả thế giới kỳ vọng vào “hộ chiếu vắc-xin” sẽ hàn gắn thế giới trở lại, nhưng giờ đây, sự lạc quan đó đã không lớn như từng nghĩ. Câu chuyện từ Ấn Độ cho thấy vai trò quản trị của Chính phủ của mỗi quốc gia quan trọng biết chừng nào. Khủng hoảng đến từ sự lơ là và thậm chí có thể từ hành động dân túy trước bầu cử của lãnh đạo nước này. Các chuyên gia kinh tế dự báo, dịch bệnh có thể kéo nền kinh tế Ấn Độ lùi lại 20 năm. Điều đó cho thấy, mọi thành tựu của một quốc gia có thể đổ sập do sự chủ quan trước Covid. Cả thế giới chưa có trải nghiệm nào như thế trước đây để rút kinh nghiệm sâu sắc.
Nói như vậy để thấy con số tăng trưởng hơn 2% năm qua của nước ta trong bối cảnh các nước ASEAN tăng trưởng âm là thành tựu đáng nâng niu. Báo cáo thường niên có tên Triển vọng phát triển châu Á Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố, dự báo năm nay, tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,7%, đến tháng 4/2022 là 7%. Tuy nhiên, dịch bệnh đâu có đứng yên. Chưa kể, biến thể của vi rút ngày càng phức tạp, không có triệu chứng rõ ràng, tốc độ lây lan nhanh. Sự điều hành Chính phủ dù linh hoạt tới mấy, cũng không dễ dàng gì trước một kẻ thù gần như vô hình.
Thực tế cho thấy, năm qua dù dịch bệnh, nhiều chuyến bay tuy không thể chở khách ra thế giới nhưng vẫn đầy ắp hàng hóa xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 4 tháng tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước; tiếp tục duy trì xuất siêu, đạt 1,29 tỷ USD. Những con số này cho thấy hiệu quả từ sự điều hành kinh tế vĩ mô.
Tuy vậy, câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công có thể sẽ được bàn nhiều trong nhiệm kỳ này của Chính phủ. Tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng dường như là một giải pháp hữu hiệu. Kỳ vọng của Chính phủ trong 5 năm tới sẽ xây dựng hàng nghìn cây số đường bộ. Xây dựng hạ tầng không chỉ tạo ra công ăn việc làm, mà còn góp phần phát triển kinh tế vùng. Thế nhưng, tìm cho ra cơ chế khiến giải ngân chậm và khắc phục nó là bài toán nan giải.
Có nhiều bài toán hóc búa trong quá trình điều hành kinh tế vĩ mô, nhưng dù “sóng cả” bản lĩnh của người vượt biển, không để “ngã tay chèo”.