Sắp hết thời 'bổ nhiệm' lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

TP - Nếu được Hội nghị Trung ương 7 thông qua, lương của lãnh đạo doanh nghiệp (DN) nhà nước sẽ không còn bị khống chế mức khung; Nhà nước tiến tới thuê người đại diện vốn nhà nước tại DN.
Khi trao tự chủ lương cho DN nhà nước, cần cơ chế giám sát để tránh tình trạng DN thua lỗ, lãnh đạo vẫn nhận lương cao. (Ảnh minh họa). Ảnh: Phạm Thanh.

Tiền “chùa” nên xài bao nhiều thì xài?

Theo Đề án cải cách chính sách tiền lương Bộ Tài chính sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, chính sách tiền lương với khu vực DN nhà nước (DN nhà nước nắm cổ phần chi phối và DN 100% vốn nhà nước) cũng sẽ có thay đổi lớn. Theo đó, DN được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của DN. Doanh nghiệp phải: Tách bạch tiền lương của người đại diện vốn nhà nước với tiền lương của ban điều hành; thực hiện nguyên tắc ai thuê, bổ nhiệm người đó đánh giá và trả lương. Từng bước tiến tới thuê Hội đồng thành viên độc lập và trả lương từ lợi nhuận sau thuế.

Trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất thay đổi trên, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia (nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH, người từng trực tiếp xây dựng quy định về lương, thù lao lãnh đạo DN nhà nước hiện hành) cho rằng: Những điều trên đã được đưa ra bàn thảo từ lâu, nhiều nước đã làm, nhưng ở Việt Nam vì nhiều lý do vẫn chưa áp dụng. Theo ông Huân, Hội đồng thành viên ở các DN nhà nước là bộ phận thay mặt nhà nước (các bộ ngành, địa phương) quản lý DN. Ở nước ngoài, hội đồng do nhà nước thuê, không nhận lương, chỉ hưởng thù lao theo tỷ lệ lợi tức hằng năm. Còn ở nước ta Nhà nước vẫn bổ nhiệm lãnh đạo, DN thua lỗ, làm mất vốn nhà nước vẫn yên tâm nhận lương.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng ủng hộ các đề xuất sửa đổi của đề án trên. Theo ông, hiện lãnh đạo DN nhà nước xem mình đang quản lý “tiền chùa” nên xài được bao nhiêu thì xài, được thì hưởng, thua lỗ, sai phạm lại đổ trách nhiệm tập thể. Theo ông Doanh điều đó: “không chấp nhận được”.

Doanh nghiệp phá sản, tịch thu tài sản lãnh đạo

Với việc cho DN tự trả lương, ông Phạm Minh Huân cho rằng, Nhà nước cần đề ra cơ chế kiểm soát, giám sát để ngăn chặn các DN làm kém hiệu quả, thua lỗ trong khi lãnh đạo vẫn nhận lương cao. “Phải tiến tới gắn tiền lương lãnh đạo với trách nhiệm, năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận DN có được. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ nhận được lương khi bảo toàn vốn và đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh, còn anh chỉ được tăng lương khi lợi tức tăng vượt kế hoạch. Thậm chí nếu không hoàn thành mục tiêu phải bị cách chức, đền bù thiệt hại”, ông Huân nói. Theo ông Huân, cần tách bộ phận điều hành với hội đồng thành viên, vì họ chỉ là người đại diện vốn nhà nước và tiến tới thuê ban điều hành. “Các nước đều làm thế, chúng ta cũng bàn mãi rồi nhưng chưa dám làm”, ông Huân nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh, khi trao cơ chế mở cho DN, cũng cần đi kèm cơ chế giám sát, giải trình, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu để ngăn chặn nguy cơ DN nhà nước thua lỗ. Theo vị chuyên gia này, phải có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, nếu DN lỗ, lãnh đạo không được nhận lương, thậm chí xử lý trách nhiệm hình sự, nếu DN phá sản có thể tịch thu tài sản lãnh đạo để bù vào phần vốn bị mất. “Lâu nay nhiều ông ngồi ghế đại diện vốn nhà nước ở DN nhưng tới chỉ đọc báo, không đọc nổi báo cáo tài chính của DN thì quản lý được gì”, ông Doanh nói.

Theo quy định hiện hành, mức lương, thù lao của lãnh đạo DN nhà nước được trả theo mức lương cơ bản nhân với hệ số hoàn thành về chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, Nghị định 52/2016 về lương, thù lao, thưởng với người quản lý DN 100% vốn nhà nước, có quy định: Mức lương cơ bản của chủ tịch tập đoàn là 36 triệu đồng/tháng, giám đốc 35 triệu đồng/tháng; các chức danh tương đương ở tổng công ty, đặc biệt lần lượt là 33 và 32 triệu đồng/tháng; tổng công ty và tương đương lần lượt là 31 và 30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với DN có lợi nhuận vượt kế hoạch, tuỳ thuộc vào mức lợi nhuận sẽ được tính hệ số lương tăng thêm bằng 0,5 tới 1 lần mức lương cơ bản trên. Như vậy, lãnh đạo DN nhà nước thuộc nhóm này hưởng lương cao nhất không vượt quá 72 triệu đồng/tháng.

Còn tại DN nhà nước nắm cổ phần chi phối (Nghị định 53/2016), mức lương cơ bản của lãnh đạo DN không vượt quá 36 triệu đồng/tháng (nếu hoàn thành mục tiêu kinh doanh đặt ra). Ngoài ra, DN có lợi nhuận vượt kế hoạch sẽ được nhận lương tăng thêm theo hệ số tuỳ thuộc vào biên độ lợi nhuận hằng năm, với hệ số từ 0,5 tới 2,5 lương cơ bản. Như vậy, lương cao nhất với 1 lãnh đạo thuộc nhóm DN này cao nhất là 90 triệu đồng/tháng.

Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH tổng hợp 345 công ty nhà nước nắm cổ phần chi phối năm 2013 cho thấy, lương bình quân của người quản lý 25 - 26 triệu đồng/tháng. Với Cty quy mô lớn, làm ăn hiệu quả, lãnh đạo hưởng lương khoảng 70 - 90 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp 155 triệu đồng/tháng. Một số Cty hiệu quả không cao, thua lỗ nhưng vẫn trả lương cho người quản lý 45 triệu đồng/tháng. Với khu vực tư nhân, lương bình quân của lãnh đạo khoảng 45-70 triệu đồng/tháng (có DN 120 triệu đồng/tháng). 

Bảng lương mới sẽ theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ

Trong bài viết về đề án cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chính sách tiền lương hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Tiền lương khu vực công còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình.Việc thiết kế hệ thống bảng lương còn phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động. Nhiều trường hợp tiền lương của lãnh đạo cấp trên thấp hơn tiền lương của lãnh đạo cấp dưới, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ.

Về mục tiêu cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xác định chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, sẽ thay thế hệ thống bảng lương hiện hành bằng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Theo đó, xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp. Xây dựng 3 bảng lương mới đối với lực lượng vũ trang.             

            Văn Kiên