Lập xưởng chế tác
Bày một loạt giấy, hồ keo, màu nước, len chỉ, kéo thước,… hai anh em Sony và Ruby (ngụ Q. 10, TPHCM) hì hụi tô vẽ, cắt dán… Chị Nguyễn Bảo Quý Thư thường ngồi cạnh hai con và sẵn sàng tư vấn, phụ một tay khi con cần. Chỉ trong buổi sáng, tác phẩm tranh 3D ngộ nghĩnh, đầy sắc màu ra đời. Nhiều lần sau đó, hai con chị Thư không nhờ đến mẹ nữa.
Sony và Ruby tự làm mô hình nhà bằng giấy, hay một dây chuyền máy móc khá phức tạp khiến chị Thư đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. “Xưởng chế tác” trong ngôi nhà ngày càng đầy thêm các món đồ chơi do con tự nghĩ, tự làm. “Ngay từ khi các con còn nhỏ, tôi đã hạn chế cho con tiếp xúc các sản phẩm công nghệ; thay vào đó là những đồ chơi sáng tạo, tái chế… Khi giãn cách xã hội do dịch bệnh, mình có thời gian ở nhà cùng con làm thêm nhiều đồ chơi mới”, chị Thư chia sẻ.
Theo chị Thư, trong quá trình tạo ra đồ chơi bất kỳ, sẽ thấy các con rất sáng tạo và thích thú những sản phẩm mới của mình. Các con có thể biến tấu một phần trò chơi đang chơi hoặc thay đổi hoàn toàn cách chơi dựa trên chính đồ chơi cũ, vẽ thêm vào đó những gì bé nghĩ là đẹp… một cách rất đam mê.
Chị Ngọc Hải (32 tuổi, ngụ chung cư TP Thủ Đức, TPHCM) kể, từ ngày trường mẫu giáo tạm đóng cửa vì dịch, cậu con trai 5 tuổi chỉ quanh quẩn trong nhà. Thấy con buồn chán, chị bày đủ trò cùng con. “Có lúc mình bày con pha màu rồi nhúng bắp cải vào để tạo ‘áo mới’ cho rau củ. Khi thì dùng lá xà lách để trên giấy, rồi vẽ thêm hình cô gái nhảy múa mặc áo lá rau. Hôm lại ngâm đậu xanh làm giá… Mỗi ngày một món, mình làm trước, sau đó con tập tành sáng tạo những lần sau. Nhờ đó, con luôn bận rộn với các trò chơi mới, còn mình có thời gian để làm việc cơ quan tại nhà”, chị Hải chia sẻ.
Trong khi đó, với lợi thế là kiến trúc sư, anh Lộc Nguyễn (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) tận dụng các đồ dùng bỏ đi trong nhà và rủ con cùng tái chế. Từ chai nước rửa chén đã hết, hai cha con vẽ vẽ, cắt cắt tạo thành thùng tưới cây xinh xắn; chiếc quần jean đã chật được tái chế thành balo, túi đựng sách báo…
“Chung cư nhà mình có ca F1, F2, nên mọi người chỉ quanh quẩn trong căn hộ. Đây là thời gian để cha con cùng sáng tạo thêm nhiều vật dụng từ các nguyên liệu bỏ đi, vừa tiết kiệm, bảo vệ môi trường, lại giúp con phát triển tư duy sáng tạo”, anh Lộc cho biết.
Gắn kết tình thân
Thường xuyên đi công tác xa nhà, tình cảm mẹ con của chị Lan Huế (ngụ quận 7, TPHCM) có phần xa cách. Cô con gái đang học lớp 7 thậm chí còn thân với người giúp việc hơn cả mẹ. Khi TPHCM giãn cách, người giúp việc xin về quê có việc gia đình, chị Lan Huế chuyển sang chế độ làm việc online nên gần con thường xuyên hơn.
“Việc cùng nhau chơi đùa, cùng nhau làm việc không chỉ giúp trẻ gắn kết yêu thương với ba mẹ, mà còn giúp trẻ phát triển trí thông minh và hoàn thiện nhiều kĩ năng quan trọng trong cuộc đời”.
Chuyên viên tâm lý Trần Thị Linh Giang
“Lúc này chúng tôi cùng bày ra nấu ăn. Lúc đầu con chỉ hưởng ứng lấy lệ nhưng sau đó rất thích. Tôi phát hiện ra con rất thích vào bếp, nhất là làm bánh. Vậy là chúng tôi cùng sáng kiến làm đủ các loại bánh mì hình Corona, bánh mì dưa hấu… Con không còn xa cách tôi, không ôm điện thoại suốt ngày như trước. Tôi cũng học cách cân bằng cuộc sống, buông bớt việc mỗi khi về nhà”, chị Lan Huế chia sẻ.
Anh Lộc Nguyễn cho rằng, khi gia đình ngồi lại cùng nhau thảo luận và xây dựng phương án sử dụng, cắt ghép làm đồ chơi tái chế,... cả gia đình có thêm cơ hội gắn kết, tương tác và hiểu nhau nhiều hơn. Điều này giúp làm “dậy men yêu thương” của từng thành viên trong gia đình, mà đôi khi do bộn bề cuộc sống, sự bủa vây của các món đồ công nghệ mà chúng ta đã bỏ quên.
Nhiều phụ huynh cho rằng, cha mẹ cần tạo môi trường phù hợp để con tự do khám phá và phát triển. Những ngày nghỉ dịch là thời gian cha mẹ dành thời gian cho con nhiều hơn, nhưng cũng khiến phụ huynh khi phải liên tục nghĩ ra các trò để chơi với con. “Vợ tôi là giáo viên nên cũng được nghỉ cùng con. Chúng tôi nghĩ ra rất nhiều trò chơi, khi thì chơi trò “trồng cây dừa”, “kéo cưa lừa xẻ”; khi lại bày trò lắp ráp mô hình, giật cờ, cờ vui, cá ngựa,… để tương tác cùng con”, anh Huy Hoàng (43 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) chia sẻ.
Còn chị Quý Thư cho hay, chị ủng hộ hết mình những ý tưởng của các con dù sau đó có thể thành công hoặc thất bại. “Nhà mình đang trở thành một "công xưởng" làm đồ chơi và thử nghiệm các trò chơi thu nhỏ. Đối với mình tất cả các trò chơi khi đã cùng con làm đều có những bài học và giá trị nhất định. Không có trò chơi nào giá trị nhiều hơn hay ít hơn mà chủ yếu do cách thức chúng ta cùng con làm ra thế nào và chơi cùng với con ra sao thôi. Việc ba mẹ cùng chơi với con sẽ là chất xúc tác tuyệt vời để gắn kết tình cảm gia đình”, chị Thư bộc bạch.
Theo chuyên viên tâm lý Trần Thị Linh Giang, mùa hè đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, trẻ em hầu như không có cơ hội trải nghiệm một mùa hè tung tăng với không gian rộng mở bên ngoài. Tuy nhiên cha mẹ vẫn có nhiều cách để tạo cho con một mùa hè thú vị, đầy sáng tạo ngay trong tổ ấm của mình.
Bà Giang cho rằng, phụ huynh đừng áp đặt suy nghĩ mình là người lớn thì không thể chơi trò trẻ con. Trong thời gian trẻ nghỉ hè nhưng lại phải hạn chế ra ngoài do dịch bệnh, bài toán khó nhất dành cho các bậc phụ huynh là làm sao để con không cảm thấy chán khi ở nhà quá nhiều. Bên cạnh đó, vẫn phải giúp trẻ duy trì được những thói quen tốt, không chìm đắm vào không gian mạng, các thiết bị công nghệ như Ipad, máy tính, điện thoại, tivi…(còn nữa)