> Myanmar cho phép báo chí tư nhân hoạt động
> Phát lộ kiến trúc thời Lý tại Hoàng Thành
Ấn tượng từ ngôi làng cổ
Shirakawago là một trong hai làng cổ nổi tiếng nhất xứ Phù Tang với 114 ngôi nhà cổ có kiến trúc nhà tranh mái dốc kiểu chắp bàn tay Gassho zukuri. Du khách đến Shirakawago chủ yếu để tận thấy những ngôi nhà cổ. Ngôi nhà cổ nhất của làng có tuổi 400 năm.
Chúng tôi đến thăm làng vào những ngày lạnh giá nhất của Nhật, nhiệt độ ngoài trời 4-5 độ C. Anh Furuta, cán bộ du lịch của tỉnh Gifu cho biết trước đó vài hôm nơi đây còn âm 10 độ C, rất giá lạnh.
Những ngôi nhà hình tam giác phủ tuyết trắng tạo nên bức tranh cổ kính tại làng Shirakawago.
Ở độ cao 500m so với mặt nước biển, đường vào làng phải đi qua một chiếc cầu dây dài 107 m với tên gọi Deaibasi - Cầu Kỳ duyên.
Anh hướng dẫn viên tại cầu kỳ duyên nói cầu cũng là một trong những biểu tượng của làng, người dân nơi đây mong muốn luôn được sum vầy.
Nhà tranh Gassho zukuri được làm bằng gỗ, lợp mái tranh với độ dày 50 cm.
Để hoàn thiện ngôi nhà này xưa người dân phải mất vài tháng. Nhà được thiết kế hình tam giác, ở giữa gian tầng 1 có một bếp củi đỏ lửa vừa để sưởi ấm vừa có tác dụng làm bền gỗ. Từ tầng 2 trở đi, nền giữa các gian nhà có các khe hở để khói từ tầng 1 thoát lên.
Nhà được làm bằng nhiều loại gỗ được người dân lựa chọn từ các quả đồi (mỗi hộ dân được sở hữu nhiều quả đồi tại vùng). Các ngôi nhà cổ thường có 3 đến 5 tầng với màu đen mun đặc trưng.
Trong mỗi ngôi nhà cổ, người dân thường dành một tầng để chứa nông cụ, tận dụng khoảng không gian trên kèo nhà để cất đồ, nuôi tằm.
Hướng dẫn chúng tôi, chị Takami nói nơi có bếp sưởi ở tầng một trong nhà cổ được chủ nhà coi là phòng sum vầy. Nó vừa là phòng khách, phòng sinh hoạt chung và thậm chí còn là phòng ăn.
Chúng tôi có mặt ở phòng đoàn tụ của gia đình anh Oizumi Shingo, 49 tuổi trong ngôi nhà cổ 200 năm. Bên bếp lửa ấm, anh chia sẻ với chúng tôi về văn hoá, nếp sống và cách thức sinh hoạt của nông dân trong làng.
Một đặc trưng nổi bật trong các ngôi nhà cổ là không dùng đinh đóng trên tường nhà. Thay vào đó họ dùng dây thừng hay dây đay. Nhà cổ ở đây được địa phương hỗ trợ trong bảo tồn.
Mái nhà được làm rất kỳ công, thường khi một nhà sửa mái người dân xung quanh trong làng đến cùng hỗ trợ.
Theo anh Furita mỗi mái nhà có độ tuổi 30-40 năm. Làm mái nhà rất tốn kém, nhà nào đến kỳ đổi mái sẽ được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền làm lại, chủ hộ chỉ mất 10% số tiền sửa đó.
Trồng lúa, nuôi tằm để khách tham quan
Nhiều đời làm nông nghiệp trồng lúa, nuôi tằm, trồng màu nhưng đến thế hệ của anh Oizumi cả 4 thành viên trong gia đình đều sống bằng nguồn thu nhập chính từ dịch vụ du lịch.
Anh Oizumi nói làng hiện có 59 nhà cổ có người dân sinh sống còn lại 55 nhà để kinh doanh dịch vụ. Gia đình anh thường xuyên có khách đến tham quan, đó là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Từ nhiều năm nay, sau khi làng được Unesco công nhận di sản văn hóa, gia đình anh Oizumi có nhiều thay đổi. Anh nói: Nhà tôi và các hộ khác vẫn đang trồng lúa nhưng để bảo vệ cảnh quan của làng vì cánh đồng lúa cũng thuộc di sản văn hóa thế giới. Lúa gạo, hoa màu chỉ được trồng vừa đủ để gia đình ăn trong năm.
Việc nuôi tằm khá phổ biến ở làng này, trước đây nó là một trong những công việc chính của làng. Nhưng ngày nay hầu hết các hộ dân trong làng đã bỏ nghề nuôi tằm vì vất vả và hiệu quả kinh tế không cao, họ chuyển sang làm du lịch. Hiện có một gia đình trong làng tổ chức nuôi tằm để khách du lịch tham quan.
Đun bếp củi cũng là một cách làm du lịch, anh Furuta nói. Hiện đa số người dân ở làng cổ Shirakawago không còn đun bếp củi như trước kia, họ thay bằng bếp gas bởi tính tiện ích và giá thành rẻ. Hầu hết các gia đình hiện có bếp củi ở tầng 1 là để phục vụ du khách tham quan.
Lễ hội ánh sáng
Người dân ở đây rất biết thu hút khách du lịch bằng những lễ hội truyền thống. Theo văn hoá lúa nước hằng năm tại làng cổ Shirakawago tổ chức lễ hội Dobudo.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan. Anh Oizumi kể đó là lễ hội uống rượu gạo mới mừng vụ mùa và cầu mong các vị thần chở che để dân làng có thu hoạch tốt ở vụ mùa sau.
Trong hai tháng 1 và 2 vào các tối thứ bảy hằng năm làng tổ chức thắp sáng điện trong tất cả các ngôi nhà cổ tạo nên lễ hội ánh sáng thu hút khách du lịch.
May mắn chúng tôi đến đúng vào chiều thứ bảy của tháng 2, ngày du khách tứ phương nườm nượp đổ về chứng kiến việc chuẩn bị lễ hội ánh sáng của các gia đình.
Theo anh Furuta mỗi năm nơi đây đón 1.730.000 khách đến thăm, trong đó số khách du lịch nước ngoài ngày một tăng. Đối tượng đến thăm làng chủ yếu là người trẻ, anh Furuta nói có đến gần 50% khách là những người trẻ, họ thường đi từng đôi đến làng và đông nhất vào những ngày cuối tuần.
Tôi gặp Mayko, 22 tuổi đi cùng bạn trai đến làng tham gia lễ hội ánh sáng. Mayko nói cô rất tự hào vì tỉnh Gifu nơi cô sinh sống có một ngôi làng cổ được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. “Nhưng vì thời gian học tập bận rộn nay tôi mới đến được. Tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của nơi đây, nó thật tuyệt”, Mayko chia sẻ.
Mùa đông đang là thời điểm an nhàn của dân làng Shirakawago. Thời tiết giá lạnh, đóng băng, người dân chủ yếu sinh hoạt trong nhà. Anh Furita cho biết có 80% hộ gia đình của làng làm du lịch.
Họ bán đồ lưu niệm, cho thuê phòng ở, cho khách tham quan…Giá mỗi lần du khách vào thăm nhà cổ là 300 yên (tính ra khoảng gần 80.000 đồng). Mỗi du khách có nhu cầu thuê phòng nghỉ tại nhà dân (dạng home stay) đều trả với giá 8000 yên/đêm.
Du lịch xanh
Ở thành phố Takayama của tỉnh Gifu có Hội giúp khách du lịch trải nghiệm hay còn gọi Hội phát triển du lịch xanh. Có 4 người trong hội đứng ra tổ chức du lịch tại vùng Hida của tỉnh này.
Ông Nakahagy, Phó chủ tịch hội cho biết Hội ra đời giúp du khách trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương như đốt than củi, kỹ thuật trồng rau, trượt tuyết, nướng cá, làm bánh…Hoạt động này đã có từ 20 năm trước đón tiếp khách từ nhiều nước khác nhau trên thế giới đến tìm hiểu nông thôn Nhật Bản.
Vùng Hida có 7 hộ kinh doanh nhà trọ Uemon kết hợp trải nghiệm có thể tiếp đón một lúc 300 học sinh từ cấp 1, cấp 2 và giáo viên. Ông Nakahagy nói một năm nơi đây tiếp nhận 3.500 du khách trong đó đa số là học sinh.
Các em đến đây để tìm hiểu thực tế về cách thức trồng rau, làm nông nghiệp… Khách nước ngoài thường đến từ châu Âu, châu Á. Mùa hè đến mùa thu là mùa đông khách nhất trong năm. Du khách đến vào những mùa đó thường được đi trong rừng với thời tiết lý tưởng.
Gia đình ông Takoase ở vùng Hida có nghề làm đậu phụ đồng thời cũng là chủ một nhà trọ Uemon. “Mỗi khi khách đến ở trọ tôi thường hướng dẫn họ cách làm đậu phụ, giã bánh giày, nói chuyện về nông nghiệp. Tôi rất thông thạo về núi và làm nông”, ông Takoase nói.
Theo phó chủ tịch Hội trải nghiệm Nakahagy, hình thức du lịch xanh sẽ ngày càng được đẩy mạnh phát triển.
Ở vùng Hida hiện nay có 30 hộ dân kinh doanh nhà trọ Uemaon. Trong đó có 7 hộ kết hợp dịch vụ thể nghiệm văn hóa địa phương. Mỗi năm vùng này thu hút khoảng 3.500 du khách.
Nhà nhà làm du lịch, dịch vụ nhưng người dân nơi đây tuân thủ nghiêm ngặt quy định bốn không: không xây nhà mới, không bán nhà cổ, không tháo gỡ đập bỏ, không cho thuê cả nhà.
Như nhà của anh Furita ở trong làng, mặc dù không phải là nhà cổ nhưng mỗi lần cần sửa chữa nhà anh phải xin phép chính quyền địa phương.