Trong tổng số 1.964.598 hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2011, trong đó 1.471.808 hồ sơ thi ĐH (chiếm 74,90%) và 492.790 hồ sơ thi CĐ (chiếm 25,10%).
Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo khối A chiếm đến 55,20%, với tổng số 1.084.583 hồ sơ, tiếp đến là khối B với 381.503 hồ sơ, chiếm 19,40%. Khối D có tổng số 304.480 hồ sơ, chiếm 15,50%. Khối C có 125.264 hồ sơ, chiếm 6,40%. Các khối khác chiếm 3,50% với tổng số 68.768 hồ sơ.
Thống kê theo các khối ngành, khối ngành Khoa học xã hội có 92.249 hồ sơ chiếm 4,70%, khối ngành Sư phạm có 118.736 hồ sơ chiếm 6,00% và khối ngành Nông - lâm - ngư có 49.493 hồ sơ, chiếm 2,50%.
Bộ GD&ĐT quy định, những thí sinh dự thi ĐH theo đề chung của Bộ, có kết quả thi từ điểm sàn đại học (hoặc cao đẳng) trở lên, nếu không trúng tuyển đợt 1, thì nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) (đợt 2 hoặc đợt 3) qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường vào ngành cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của một trường đại học (hoặc cao đẳng) còn chỉ tiêu xét tuyển.
Thí sinh nếu không trúng tuyển đợt 1, có kết quả thi đại học bằng hoặc lớn hơn điểm sàn cao đẳng đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp hai Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (số 1 và số 2). Thí sinh dùng Giấy số 1 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 2.
Nếu vẫn không trúng tuyển đợt 2 thì dùng Giấy số 2 để nộp hồ sơ ĐKXT đợt 3. Thí sinh có kết quả thi đại học thấp hơn điểm sàn cao đẳng được cấp Phiếu báo điểm, nhưng không được dùng để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi ĐH theo đề thi chung để xét tuyển.
Thi ĐH, CĐ năm nay có nhiều điểm mới
Theo bộ GD&ĐT, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp 3 chung như các năm trước. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh năm nay có một số điểm mới.
Thí sinh là người khuyết tật không thể tự phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày: Hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét quyết định cho vào học.
Lịch thi ĐH, CĐ năm 2011
Đợt I: Ngày 4-7 và 5-7-2011 thi đại học khối A và V. Thí sinh thi khối V, sau khi dự thi môn Toán, Lý, thi tiếp năng khiếu Vẽ đến ngày 8-7-2011.
Đợt II: Ngày 9-7 và 10-7-2011 thi đại học khối B, C, D và các khối năng khiếu.
Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hoá (Khối H, N thi Văn theo đề thi khối C; Khối M thi Văn, Toán theo đề thi khối D; Khối T thi Sinh, Toán theo đề thi khối B; Khối R thi Văn, Sử theo đề thi khối C), thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 14-7-2011.
Đợt III: Ngày 15-7 và 16-7-2011 thi cao đẳng tất cả các khối thi.
Thí sinh thi khối năng khiếu, sau khi dự thi các môn văn hóa, thi tiếp các môn năng khiếu đến ngày 20-7-2011.
Thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét quyết định cho vào học.
Năm nay, thời gian nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 mỗi đợt kéo dài thêm 5 ngày so với năm 2010.
Đặc biệt, điểm mới của kì thi ĐH, CĐ năm nay là thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp cho cơ sở đào tạo để xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trong vòng 15 ngày, kể từ khi bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển mỗi nguyện vọng theo lịch tuyển sinh.
Các trường cập nhật công khai thông tin về hồ sơ xét tuyển các nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trên Website của trường để thí sinh theo dõi, quyết định việc rút, nộp hồ sơ của mình vào trường, ngành học phù hợp.
Đề thi không vào phần giảm tải, cắt bỏ
Đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ, theo quy định của Bộ GD&ĐT là phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Nội dung đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót. Đồng thời, đề thi phải đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi.
Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ. Đồng thời, không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề quá khó, quá phức tạp.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi đại học năm nay, Bộ sẽ không cử thanh tra của Bộ đảm nhiệm vị trí thanh tra ủy quyền và thanh tra cắm chốt. Nhiệm vụ này sẽ giao lại cho thanh tra của các trường đại học.
Thanh tra Bộ sẽ tập trung tổ chức thành các đoàn lưu động, đi thanh kiểm tra nhiều điểm, không cố định. Các thanh tra lưu động này đã được Bộ tập huấn rất kỹ càng và có thể chủ động xử lý các sự cố mà không cần gọi về ban chỉ đạo thi.
Các năm trước, lực lượng thanh tra cắm chốt và ủy quyền nhiều nhưng làm việc chưa hiệu quả. Khi gặp các sự cố, họ không tự xử lý được mà phải gọi về xin ý kiến Ban chỉ đạo thi. Vì thế, năm nay Bộ quyết định thay đổi. Số lượng thanh tra của Bộ vì thế sẽ giảm, nhưng chất lượng sẽ tăng lên” ông Ga lý giải về sự thay đổi này.
Không làm được bài thí sinh cũng phải nộp giấy thi
Theo quy định, khi hết giờ thi, thí sinh phải ngừng làm bài và nộp bài cho cán bộ coi thi. Không làm được bài, thí sinh cũng phải nộp giấy thi. Khi nộp bài, thí sinh phải tự ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký tên xác nhận vào bản danh sách theo dõi thí sinh.
Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau 2/3 thời gian làm bài và sau khi đã nộp bài làm, đề thi cho cán bộ coi thi, trừ trường hợp ốm đau cần cấp cứu do người phụ trách điểm thi quyết định.
Các thí sinh phải đặc biệt lưu ý không được mang theo điện thoại di động vào phòng thi vì dù chưa sử dụng các em vẫn bị đình chỉ thi ngay lập lức. Đây là lỗi mà nhiều thí sinh đã mắc phải các kỳ thi trước.
Trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi và nhất thiết phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi.
Bài làm phải viết rõ ràng, sạch sẽ, không nhàu nát, không đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng. Nghiêm cấm làm bài bằng hai thứ mực, mực đỏ, bút chì (trừ hình tròn vẽ bằng compa được dùng bút chì). Các phần viết hỏng, thí sinh phải dùng thước gạch chéo, không dùng bút xóa.