Săn sâu muồng trên Tây Nguyên

TP - Cứ vào cuối tháng ba, đầu tháng tư dương lịch, khi mùa khô Tây Nguyên đến cũng là lúc bướm bay rập rờn đẻ trứng, nở sâu, tạo kén trên những hàng muồng xen trong các vườn cà phê, hồ tiêu. Đây là lúc người dân đi bắt sâu, nhộng muồng về chế biến thành món ngon độc đáo.
Sâu muồng có nhiều trong vườn tiêu, cà phê.

Sâu muồng thân màu nâu vàng, hai bên mình có sọc màu nâu thẫm, da trơn, thường ẩn nấp dưới vỏ cây muồng nên những ai tinh mắt để ý mới thấy được.

Sâu chỉ ăn lá cây nên rất sạch và lành, con nào cũng căng tròn mập mạp. Anh Y Lâm Niê, ở buôn Kmiên, xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết: Bắt loài sâu này rất dễ. Chỉ cần leo lên cây muồng, dùng sức rung lắc mạnh là sâu tự rơi xuống, ta chỉ việc nhặt sâu cho vào bịch. Trúng cây nhiều sâu, bắt khoảng hơn tiếng là có cả ký, đủ làm thức ăn bổ dưỡng cho cả nhà.

Sâu muồng có nhiều trong vườn tiêu, cà phê.

Sâu bắt về để vài tiếng cho tiêu hết phân trong ruột, ngâm rửa trong nước muối cho sạch. Sau đó phi hành mỡ lên rồi cho sâu vào xào, đảo đều nhẹ tay, để nhỏ lửa cho sâu từ từ săn lại cho chín, nêm chút muối trắng hoặc nước mắm ngon, mì chính, lá chanh thái nhỏ và một ít ớt tươi, tùy khẩu vị. Cũng có vài người hiếm hoi thích “cảm giác lạ”, dám bắt sâu ăn sống. Sâu muồng xào ăn mềm và hơi dai, có vị bùi và ngọt rất đặc trưng. Người Ê đê từ trẻ đến già ai cũng biết ăn món này. Đồng bào xem đây như là một phương thuốc phòng, chữa bệnh sốt rét nên cứ đến mùa là rủ nhau đi bắt rất đông. Nếu bắt ăn không hết thì mang ra chợ bán, giá 50-70 nghìn đồng/kg.

Ngoài sâu muồng, nhộng sâu cũng được người dân yêu thích. Nhộng sâu muồng do những con sâu già lột xác hóa thành, nằm im dưới tán lá chờ tái sinh. Nhộng có hình thoi, màu xanh, mình to như đầu chiếc đũa. Nhộng sâu muồng có thể luộc chấm muối tiêu hoặc rang giòn với mỡ. Khi rang chín, nhộng có màu vàng ươm, thơm như châu chấu rang, có vị béo và bùi. Món này thích hợp với những ai sợ sâu bọ nhưng lại muốn thưởng thức nó.

Không riêng đồng bào bản địa khoái món sâu và nhộng muồng, mà nhiều người Kinh cũng xem đây là một trong những món ăn đặc sản của Tây Nguyên. Bà Trần Thị Mai ở thôn 4, xã Ea Tur, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk trong lúc hái tiêu tranh thủ bắt nhộng sâu muồng về làm thức ăn. Bà kể: Lúc đầu nghe người ta rủ nhau bắt sâu làm thức ăn thì ngạc nhiên. Sau đó vợ chồng bà bắt chước làm theo, nhắm thử rồi ghiền luôn. Bây giờ vào rẫy, cứ thấy sâu nhộng là bắt về ngay. Bởi mùa sâu muồng chỉ kéo dài từ tháng ba, tháng tư. Khi mùa mưa đến, những con nhộng muồng sẽ thoát xác thành bướm. Đến lúc đó, có muốn ăn cũng đành… nhịn thèm chờ năm sau.