Trắng đêm săn chuột
Trời chập choạng tối, tôi theo ông N.V.B., (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và 4 anh em trong nhà đi ra đồng “xuyệt” chuột (bẫy chuột bằng điện). Ông B. thuê 1 ha đất trong đê bao ngăn lũ, cách nhà chưa đầy 3 km để làm lúa và vừa mới xuống giống. “Vùng này chuột phá dữ lắm, làm lúa mà không tìm cách tiêu diệt nó là khỏi ăn”- vừa đi, ông B vừa nói. Ông cho biết, năm nay lũ không về, nước trên đồng khô cạn, chuột bọ sinh sôi nảy nở nhiều, uy hiếp đến mùa màng. “Tiền thuê 1 ha đất gần hai chục triệu, nếu không chịu khó bắt chuột thì lỗ chắc”- ông B. lý giải lý do phải “đối đầu” quyết liệt với lũ chuột.
“Dân tụi tui xứ này, đi đồng toàn chơi như dzậy. Cứ chuột bắt vô là lột da đem nướng trui, mua lít rượu đế là nhâm nhi tới sáng”.
Ông Hai
Đến chân ruộng khi trời đã tối sẫm, ông B. và mấy anh em cùng bật đèn pin soi để kiểm tra dây điện đã được ông bao quanh thửa ruộng hình chữ nhật từ trước đó. Theo ông B. thường vào đầu hôm chuột từ trong bờ chạy ra ăn lúa nên mình tranh thủ thời gian này để bẫy.
Sau khi đi một vòng kiểm tra lần cuối, ông B. ra hiệu cho ông M., người anh họ, đấu dây điện vào tụ bình ắc quy và bắt đầu “xuyệt”. “Chuột từ trong bờ bò ra ăn lúa, dính phải dây điện là chết ngay”- ông B. nói. Theo ông, làm việc này phải có ít nhất 3 người, một người ngồi cạnh bình điện để lỡ xảy ra sự cố thì ngắt điện ngay, và hôm nay ông M. được phân công làm việc này. Hai người còn lại đi quanh bờ ruộng quan sát, nếu phát hiện chuột dính điện chết là gom lại.
Ngồi trên bờ gió thổi hiu hiu, ông B. cầm điếu thuốc thở phì phò. “Chú tin đi, tôi hút xong điếu thuốc này rồi anh em mình đi thăm. Tôi bảo đảm sẽ dính trên chục con như chơi”- ông B. nói chắc như đinh đóng cột. Đúng như lời ông nói, khi điếu thuốc trên tay chưa tàn thì ông M. ngồi dưới ruộng nói với lên: “Đèn chớp đỏ liên tục, chắc chuột dính bộn rồi đó, xuống thăm đi”.
Ông B. bật đèn soi gắn sẵn trên đầu và ra hiệu cho tôi cùng đi. Ông dặn đi dặn lại phải đi đứng cẩn thận, kẻo chạm dây điện nguy hiểm. Ông cũng giãi bày: “Bất đắc dĩ lắm tôi mới dùng phương pháp này vì biết rằng là nguy hiểm. Hơn nữa nhà nước không khuyến khích nhưng không còn cách nào khác để bảo vệ mùa màng”. Đi được một đoạn đã thấy chuột nằm lăn quay, ông B. dùng cành cây khô kéo chuột ra khỏi dây điện rồi bắt. Đi một vòng quanh ruộng mất khoảng nửa giờ đồng hồ và thu về 15 con chuột đủ kích cỡ.
Trong lúc tôi và ông B. đi thăm thì trên bờ mẫu, ông Hai bê bó củi tới để đốt làm than, đợi ông B. đem chuột đến nướng. Ông Hai là chủ máy cày nhà ở ngay chợ xã Phú Hiệp, ngoài 60 tuổi, đầu tóc bạc trắng, được người dân trong xóm gọi là ông Hai “máy cày”. Sau khi lột da, làm sạch, ông Hai đặt những con chuột lên đống than đỏ rực, lăn qua trở lại, lúc sau chuột chuyển màu vàng ươm, mùi thơm lừng bốc lên. “Chuột mùa này ăn toàn lúa non nên mập mạp, thịt dẻ, thơm phức khỏi phải chê”- ông Hai nói to.
Trắng đêm săn chuột ngoài đồng. Ảnh: Hòa Hội
Nhấp ly rượu đầu tiên, ông Hai vỗ tay vào đùi cái đét, rồi chậc lưỡi: “Dân tụi tui xứ này, đi đồng toàn chơi như dzậy. Cứ chuột bắt vô là lột da đem nướng trui, mua lít rượu đế là nhâm nhi tới sáng”. Sau vài giờ đồng hồ đi thăm, ông B. đã bắt được gần chục ký chuột. “Ngần ấy chuột chỉ trong một đêm thôi thì cắn không biết bao nhiêu lúa. Nếu mình không bắt thì chưa đầy 3 đêm thì coi như không còn gì để ăn”- ông B. nói.
Cạnh ruộng nhà ông B., ông Trươn Văn Giàu cũng đang canh bắt chuột. Ông Giàu cho biết nhà có gần 1 ha lúa, đã xuống giống được gần 1 tháng. “Bây giờ làm lúa khó ăn lắm, chỉ cần bỏ một đêm là chuột cắn muốn hết”- ông Giàu than thở. Do vậy, cả tháng nay hầu như đêm nào cũng phải thức canh để bắt chuột. “Tuy cực khổ vì phải thức đêm hôm nhưng đỡ cái lấy chuột làm thức ăn cho gia đình nên khỏi phải mua, đỡ tốn chi phí, vì ở đây muốn có tiền phải đợi tới vụ”- ông Giàu tâm sự.
Nghề SBC
Săn bắt chuột còn là một nghề của người dân vùng Đồng Tháp Mười và được gọi rất kêu là nghề “SBC”. Đồ nghề săn bắt chuột chủ yếu là tự chế, gồm súng bắn tên, chĩa đâm chuột được làm bằng những thanh sắt nhọn gắn vào cán tre dài khoảng 4 - 5m. Ngoài ra, đi săn chuột không thể thiếu xuồng để di chuyển và đàn chó… Hai anh em Trần Bá Phú và Trần Bá Hùng (xã Hòa Bình, huyện Tam Nông) cho biết, khi săn thường đi thành từng tốp từ 5 đến 7 người, dẫn theo 2 đến 3 con chó để đuổi chuột. Sau vài giờ săn, mỗi người kiếm được từ 20 đến 30 con chuột.
“Hai anh em tui đi một buổi kiếm không dưới 50 con chuột”-Phú nói, đồng thời cho biết, chuột săn về vừa cải thiện được bữa ăn hằng ngày, vừa đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Gặp ông Lê Thành Tâm ở xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông) trên đường đi săn chuột về. Ông khoe: “Tôi và hai thằng con trai với hai cây chĩa, một súng bắn tên và hai con chó mực, sau khoảng 4 giờ đi săn, chúng tôi bắt gần 70 con chuột đồng”.
Ngoài ra, nông dân vùng Đồng Tháp Mười còn bắt chuột bằng cách chất chà, ví cù. Người chất chà bắt chuột thường chọn một số nhánh chà bằng cây tạp, đọt tre, tràm, gáo, bạch đàn, trâm bầu... buộc lại từng bó, mỗi bó độ chừng một ôm người. Các bó chà được chất đống quanh gốc dừa, bụi chuối, bờ kênh gần những nơi chuột thường qua lại kiếm ăn. Chất xong, rải vào đống chà ít lúa, gạo, bắp, đậu, khoai... để nhử chuột, rồi dùng rơm, tàu dừa, cỏ khô... phủ lên để tạo hơi ấm cho chuột vào làm ổ.
Anh Trần Văn Hút ở xã Tân Công Sính, cho biết: “Chà mới chất để từ mười bữa, nửa tháng mới dỡ; còn chất lâu từ 5 - 7 ngày dỡ một lần. Trước khi dỡ, dùng đăng tre hoặc lưới cước... quây quanh đống chà, giằng kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ dưới chân đăng. Nơi đó, đặt một cái bao hay một cái rọ để đón chuột chạy ra. Khi chà được dỡ ra, chuột trong chà chạy tán loạn tìm đường thoát thân. Cuối cùng, chuột cũng tìm đến lỗ trống và… chui vào rọ. Mỗi lần dỡ chà chuột độ chừng 15 - 20 phút là xong, kiếm cũng được vài chục con chuột. Dỡ xong, chất chà trở lại, để mồi nhử và chờ năm bảy ngày sau lại tiếp tục dỡ. Còn anh Cao Văn Lê, ở xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp thì vui vẻ chia sẻ: “Chất chà bắt chuột mê lắm! Mỗi lần dỡ chà chuột gom lại thành từng bầy thấy phát ham, con nào - con nấy mập mạp, lông mượt... Mỗi lần dỡ chà, gia đình bắt cũng được 20 - 30 con. Lần nào dỡ trúng kiếm cũng được hơn 50 con, bán được vài trăm ngàn đồng”.
Lái chuột
Vào mùa săn bắt chuột, các thương lái tỏa đến từng nhà và các cánh đồng để thu mua sau đó đem đi tiêu thụ tại các chợ gần, xa. Ông Lê Thành Tâm cho biết, chuột bán cho thương lái ngay ở ruộng có giá trung bình 40.000 đồng/kg.
Chuột đồng bày bán tại chợ Tam Nông, Đồng Tháp. Ảnh: Trọng Trung
Anh Minh Hoàng, ở thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông) là một lái chuột có nhiều kinh nghiệm. Hoàng cho biết, thường vào đầu tháng tư âm lịch, anh bắt đầu đến những cánh đồng ở huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh… trong tỉnh Đồng Tháp để thu mua chuột đồng. Sau đó, chở đi tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh Đồng Tháp và cả các tỉnh thành khác như An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… “Bình quân mỗi ngày, tôi mua và bán trên 100 con chuột đồng. Đến cuối tháng chín âm lịch hằng năm là hết mùa mua bán chuột đồng. Sau một mùa mua bán chuột, trừ tất cả chi phí… tôi còn lời ít nhất 5 triệu đồng!”.
Theo lái chuột Phan Văn Mỹ (xã Phú Đức, huyện Tam Nông), thịt chuột đồng thơm ngon nhất vào cuối vụ Hè - Thu nên sức tiêu thụ mạnh và bán rất có giá. Chuột đồng được bày bán tại khắp các chợ trong tỉnh Đồng Tháp như: chợ xã An Long, Phú Thành A, Phú Cường, Phú Hiệp, Hòa Bình và thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông); Giồng Găng, Sa Rài (huyện Tân Hồng); Bình Thành (huyện Thanh Bình)... Chuột đồng sống các loại có giá bán 60.000 - 75.000đồng/kg, thịt chuột làm sẵn có giá từ 100.000đồng/kg trở lên. Theo các tiểu thương bán chuột, mặc dù năm nay chuột nhiều nhưng giá thịt chuột vẫn cao hơn năm ngoái từ 5.000 - 7.000đồng/kg.
Cũng theo lái chuột Phan Văn Mỹ, chuột đồng được chế biến nhiều món ăn ngon, có nhiều chất dinh dưỡng… trong khi giá cả vừa với túi tiền nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. “Nghề SBC và mua bán chuột đồng đang giúp nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười có thêm thu nhập, còn góp phần tiêu diệt loài chuột bảo vệ mùa màng”- lái chuột Phan Văn Mỹ cười đầy vẻ tự hào.