Sách giáo khoa làm học sinh sợ môn Sử?

TP - Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, tuy có nhiều nguyên nhân làm học sinh chán học sử nhưng sách giáo khoa vẫn là “thủ phạm hàng đầu”. Muốn thay đổi, cần phải bắt đầu từ khâu biên soạn sách giáo khoa.

> Môn Lịch sử: 'Lừ đừ' từ chuẩn quốc gia đến SGK
> Lịch sử và... trò bốc thăm may rủi

Trong hội thảo chuyên gia về sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều học giả bức xúc khi môn lịch sử bị Bộ GD&ĐT xem là môn phụ.

Câu chuyện môn Sử bị xem nhẹ trong trường phổ thông không phải là vấn đề mới, đã được Hội Khoa học Lịch sử dự báo từ rất lâu, và đã có các giải pháp cùng với Bộ GD&ĐT để tháo gỡ.

Tuy nhiên, việc môn Sử phải chịu số phận “bốc thăm” mà không được xếp ngang hàng như các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay khiến giới chuyên môn “bàng hoàng”, “thất vọng”.

GSTS Trần Thị Vinh, khoa Lịch sử - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận xét chẳng ở đâu giống như ở nước mình, các nhà khoa học lịch sử phải tổ chức các hội thảo để bàn bạc về số phận của môn này trong trường học.

“Theo tôi được biết, ở những nước mà tôi được sống một thời gian tương đối dài như Mỹ, Canada, Singapore… người ta không bao giờ phải đặt vấn đề này ra để bàn luận, bởi môn Lịch sử đã được an bài, nó luôn luôn là môn bắt buộc.

Hội thảo ở Đà Nẵng hồi tháng 8 năm ngoái, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã gật gù khi chúng ta đề nghị phải để cho môn Lịch sử là môn bắt buộc. Nhưng kết quả chúng ta nhận được là gì? Lại một lần nữa, môn Lịch sử lại rơi vào vòng bắt thăm may rủi!”, GS Trần Thị Vinh nói.

Phải biên soạn sách giáo khoa lịch sử hoàn toàn khác

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử cho rằng giới nghiên cứu lịch sử dễ dàng thống nhất rằng SGK chưa phải là tất cả chất lượng giáo dục môn Lịch sử trong trường phổ thông mà là do một loạt các yếu tố tương tác lẫn nhau.

“Nhưng chắc chắn chúng ta cũng nhất trí SGK là một trong những khâu cơ bản nhất. Nếu muốn đổi mới giảng dạy lịch sử ở phổ thông thì chúng ta phải tạo đột phá từ SGK”, GS Phan Huy Lê nói.

  Chắc chắn chúng ta cũng nhất trí SGK là một trong những khâu cơ bản nhất. Nếu muốn đổi mới giảng dạy lịch sử ở phổ thông thì chúng ta phải tạo đột phá từ SGK

GS Phan Huy Lê

Trong hội thảo, nhiều học giả đã đề xuất giải pháp biên soạn SGK lịch sử cho chương trình sau năm 2015. PGS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch Hội đồng bộ môn lịch sử - Bộ GD&ĐT nêu ý kiến cần khuyến khích các nhóm tác giả làm thử: “Hiện nay nhóm chúng tôi có một số bạn trẻ là giảng viên khoa Lịch sử trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Các bạn ấy đề nghị để họ viết thử một vài chương. Tôi cho đây là một ý rất hay. Nếu các nhóm nghiên cứu khác cũng mạnh dạn viết thử thì chúng ta sẽ sớm có sản phẩm để cùng bàn bạc, rút kinh nghiệm nhằm đưa ra được bộ sách tốt nhất”.

Nhiều học giả cho rằng nếu làm SGK lịch sử mới thì phải chấm dứt hướng biên soạn đồng tâm quá lạc hậu, quá lãng phí thời gian mà vẫn khiến học trò thấy nhàm chán như hiện nay.

Nhưng nội dung SGK môn lịch sử thế nào thì vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các học giả. Chẳng hạn, PGS TS Phạm Xanh, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất: “Kiến thức lịch sử ở tiểu học sẽ là những câu chuyện kể gắn với các nhân vật lịch sử mà có ảnh hưởng tích cực về việc hình thành nhân cách. Còn ở THCS thì dạy Lịch sử gắn với địa danh nổi tiếng của các giai đoạn lịch sử dân tộc. Cấp THPT thì dạy theo tiến trình lịch sử từ cổ trung đại đến nay”.

Trong khi đó GS TS Trần Thị Vinh lại có ý kiến đến hết THCS là học sinh đã được học xong tiến trình lịch sử, lên đến cấp THPT chỉ dạy các chuyên đề và chia thành 3 mảng: lịch sử VN, lịch sử Đông Á, lịch sử thế giới.

Theo Báo giấy