Sách giáo khoa gây sốc với bài dịch thơ lạ 'Sông núi nước Nam'

Bài thơ “Sông núi nước Nam” vốn được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam, với những câu thơ quen thuộc, nay đã được dịch khác đi và in trong SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 khiến nhiều phụ huynh sốc.
Cuốn sách Ngữ Văn lớp 7 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Ảnh: Infonet.

Trước đây, bài thơ: “Sông Núi Nước Nam” được dịch là: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Trong khi đó, hiện nay, trang 62 sách Ngữ văn lớp 7 tập I, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) phát hành lại dịch như sau: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ”.

Nhiều phụ huynh gửi phản hồi đến VTC News cho rằng bản dịch sau trúc trắc, khó đọc và không hay như bản cũ.

“Tôi không cho rằng tác giả dịch sai nhưng nếu bản dịch mới không hay hơn bản dịch cũ thì đưa vào sách giáo khoa làm gì?”, một độc giả băn khoăn đặt câu hỏi.

Bình luận về bản dịch bài thơ "Sông núi nước Nam" đang gây tranh luận, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng các bản dịch hoàn toàn có quyền thay đổi câu chữ nhưng phải giữ nguyên nội dung ý nghĩa. Trong khi đó, bản dịch cũ bài thơ “Sông núi nước Nam” trong sách giáo khoa trước đây cũng chỉ là một bản dịch chứ không phải nguyên mẫu. 

“Vấn đề là hầu hết các phụ huynh học và đã thuộc bản dịch cũ nên quen thuộc. Bản dịch mới không có lỗi gì”, TS Vũ Thu Hương phân tích.

Phần dịch thơ trong sách Ngữ văn lớp 7 tập một mới. Ảnh: Infonet.

Đánh giá trên quan điểm cá nhân, TS Hương cho rằng bản dịch cũ bài thơ “Sông núi nước Nam” đạt giá trị ở 2 câu đầu nhưng cách dịch 2 câu cuối lại chưa tải hết được ý đẹp của câu thơ. 

Vì vậy, vị chuyên gia giáo dục này cho rằng các em học sinh nên được tiếp cận nhiều bản dịch khác nhau của bài thơ “Sông núi nước Nam” để có thể tự cảm nhận bài thơ một cách chính xác nhất.

“Tôi kiến nghị các tác giả sách giáo khoa nên đưa vào nhiều bản dịch hơn nữa của một bài thơ chữ Hán để các em học sinh có cái nhìn đa chiều hơn về mọi vấn đề”, TS Hương kiến nghị.

Thông qua sự việc này, TS Hương cho rằng điều đó thể hiện xã hội thường khó chấp nhận những thứ mới mẻ. Sự đổi mới thường khiến mọi người sốc. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng cần tập thói quen đối với sự thay đổi.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng cần có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, bình tĩnh khi đánh giá một vấn đề mới.

Cũng có cùng quan điểm này, cô Bùi Nguyệt Hồng (giáo viên dạy Văn, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) chia sẻ khi biết bản dịch này, cô Hồng không bất ngờ hay có phản ứng thái quá. 

Cô Hồng cho rằng do tâm lý thói quen nên nhiều phụ huynh không thích những cái khác lạ khi điều gì đó đã ăn sâu vào tiềm thức. Vì vậy, việc "dị ứng" bản dịch này cũng là dễ hiểu.

“Đây là văn học cổ nên có nhiều bản dịch là chuyện bình thuờng. Bản dịch mới cũng sát nghĩa và không làm thay đổi về nội dung, ý nghĩa bài thơ”, cô Bùi Nguyệt Hồng phân tích.

Là một giáo viên dạy văn lâu năm, cô Hồng cho rằng việc dịch thơ rất khó. Tuy nhiên những bản dịch thơ hay vẫn tồn tại cho thấy sự đồng cảm và tri âm của tác giả và dịch giả.

Bản dịch này về âm hưởng giọng điệu có thể không hay bằng bản cũ nhưng các giáo viên vẫn có thể dạy được. Khi dạy văn học cổ, giáo viên cần căn cứ vào bản chữ Hán  để giảng giải hết cho học sinh cảm nhận được hết ý nghĩa của bài thơ chứ không phải chỉ chăm chăm vào bản dịch.

“Khi dạy, giáo viên có thể liên hệ các bản dịch khác nhau, hoặc giảng giải cắt nghĩa từ ngữ cho học sinh. Sau đó, giáo viên cho các em về nhà tự dịch giống như học ngoại ngữ. Bản dịch thơ nào hay nhất sẽ được bình chọn. Như vậy, đó cũng là cách dạy học theo phương pháp mở”, cô Bùi Nguyệt Hồng chia sẻ.

Trước đó, trao đổi với Infonet, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học – Bộ GD&ĐT, một trong những người biên tập cuốn sách Ngữ văn lớp 7 tập 1 này cho rằng ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. 

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Thời tôi đi học thì họ dịch: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. Nhưng một bài thơ có thể dịch ra nhiều nghĩa khác nhau, nhưng ý của bài thơ thì không thay đổi”.

“Chính vì vây, đến thời điểm này, các nhà Hán nôm, cụ thể ở đây là ông Nguyễn Khắc Phi và Nguyễn Đình Chú dịch là: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ.

Từ ngữ của bài thơ không giống như trước, nhưng ý nghĩa của bài thơ không có gì thay đổi. Khi phát hành sách đã có các nhà thẩm định rồi, nên không sai được”.