Nhắc nhở ĐB vắng mặt
Báo cáo đánh giá về kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII chiều 11/12, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm hoàn thành các nội dung, rút ngắn thời gian tiến hành kỳ họp. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức kỳ họp thứ 10 vẫn còn một số hạn chế cần rút kinh nghiệm. Trong đó có dự án luật trình QH cho ý kiến chưa được chuẩn bị chu đáo, chất lượng còn hạn chế, có dự án chưa được thông qua theo đúng chương trình kỳ họp. Một số báo cáo giám sát chuyên đề chất lượng còn hạn chế, chưa xác định rõ trách nhiệm, kết luận, kiến nghị còn chung chung. Một số ý kiến phát biểu còn trùng lắp hoặc dài dòng, chưa bám sát nội dung, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội…
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng kết luận, Luật Biểu tình phải được QH cho ý kiến trong nhiệm kỳ này. Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ hoàn thiện, trình để QH thảo luận Luật Biểu tình tại kỳ họp 11 tới.
Theo ông Phúc, hoạt động chất vấn tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng thời gian chất vấn còn ít, kết thúc sớm trong khi còn nhiều ĐB đăng ký chất vấn. Một số ĐBQH nêu câu hỏi còn dài, chưa đi thẳng vào trọng tâm. Có vấn đề chất vấn chưa được trả lời trực tiếp vào trọng tâm câu hỏi để đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, bên cạnh việc đánh giá cao, ĐBQH cũng cho rằng, thời gian chất vấn còn dư nhiều quá. Theo ông Ksor Phước, nếu kéo dài thêm thời gian chất vấn để Thủ tướng nói thêm sau đó sẽ tốt hơn. Mặt khác khi thấy còn thời gian, ĐBQH đã bấm nút xin nói tiếp mà QH lại quyết định nghỉ sớm, điều này cần phải rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phản ánh những băn khoăn của cử tri về tình trạng ĐBQH vắng mặt. “Khi cử tri phản ánh tình trạng ĐBQH vắng mặt, tôi đã giải thích do vướng Đại hội Đảng bộ các cấp. Tuy nhiên khi hết Đại hội rồi nhưng ĐB vẫn vắng, điều này cần phải đưa vào nội dung đánh giá kỳ họp để nhắc nhở”, ông Sơn đề nghị.
Dành một ngày thảo luận về Luật Biểu tình
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII vào tháng 3/2016, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp 11 QH sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật. Tại kỳ họp QH cũng tiến hành cho ý kiến dự án Luật Biểu tình với thời gian một ngày, trong đó nửa ngày thảo luận tổ và nửa ngày thảo luận tại hội trường.
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, đến nay dự thảo Luật Biểu tình đã xây dựng xong và gửi xin ý kiến các bộ ngành liên quan. Một số vấn đề nhạy cảm, đến thời điểm này các Bộ có liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp chưa cho ý kiến. Theo Thứ trưởng Nam, nếu trình cho ý kiến tại kỳ họp 11 sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tập hợp ý kiến các Bộ liên quan. Trước khó khăn đó, Ban soạn thảo xin được lùi Luật Biểu tình sang kỳ họp sau, thay vào đó sẽ trình Luật Cảnh vệ để QH cho ý kiến tại kỳ họp 11. Theo Thứ trưởng Nam, Luật Cảnh vệ đã được thẩm định xong nên có thể đưa ra để QH cho ý kiến.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết đã nghiên cứu, thảo luận về Luật Biểu tình nhưng chưa có sự thống nhất. Sang tuần tới, Bộ Quốc phòng sẽ họp Quân ủy Trung ương để bàn Luật Biểu tình và sẽ có ý kiến chính thức. Trước đề xuất của Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, nếu muốn thay đổi chương trình thì phía Chính phủ phải có văn bản chính thức. Theo ông Khoa, nếu đưa Luật Cảnh vệ thay thế để QH cho ý kiến tại kỳ họp 11 sẽ không kịp, vì không thể thẩm tra dự án kỹ được trong thời gian ngắn như vậy.