Rượu!

TP - Sáu người đã chết vì rượu trên địa bàn TP Cẩm Phả, Quảng Ninh. Rượu đóng chai, ghi nhãn, nhưng cơ quan chức năng phát hiện có chất cấm sử dụng trong ăn uống. Cơ quan Cảnh sát điều tra CA tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án.

> Thêm hai người chết sau khi uống rượu 'Nếp 29 Hà Nội'
> Thu hồi, tiêu hủy 'rượu nếp 29 Hà Nội' trên toàn quốc

Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế yêu cầu thu hồi khẩn cấp trên phạm vi cả nước lô rượu gây ngộ độc chết người.

UBND tỉnh Quảng Ninh ra thông báo khẩn cấp khuyến cáo người dân không mua, sử dụng loại rượu có nhãn Rượu nếp 29 Hà Nội, không sử dụng các loại rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ!

Sự vào cuộc “khẩn cấp” của các cơ quan chức năng trong vụ việc này là rất đáng mừng. Đặc biệt là cách khuyến cáo người dân của tỉnh Quảng Ninh về việc không dùng rượu không rõ nguồn gốc. Đây là điều rất cần để thay đổi thói quen ăn uống của người dân.

Các cụ xưa nói “phúc họa từ miệng”. Đúng tuyệt đối. Đúng cho cả ăn và nói. Nói không khéo có thể gieo mầm họa, ăn không đúng có thể mất mạng. Và ngược lại!

Hiếm có nơi nào mà ăn uống vô tội vạ như ở ta. Nếu muốn đầu độc ai đó thì không khó khăn chút nào. Những người bán rong với gánh bún đậu mắm tôm, với quẩy nóng, với ngô nướng…, nếu vì lợi nhuận mà bỏ chất này, chất kia ảnh hưởng sức khỏe thực khách thì cũng khó tìm ra tung tích để truy cứu trách nhiệm. Biết nguy hiểm nhưng với đa số người dân việc này đang trở nên rất bình thường. Chừng nào còn bán rong, chừng đó còn nguy hiểm đối với sức khỏe người dân, chừng đó còn đồ ăn, thức uống không nguồn gốc, xuất xứ, không ai chịu trách nhiệm.

Nói đến rượu, một thức uống có mặt mọi lúc, mọi nơi, lúc chia vui cũng như lúc giải sầu. Ở ta có một thứ rượu đặc biệt là “nút lá chuối”. Rượu này không nhãn, mác, không đề ngày sản xuất, hết hạn. Nếu ai đó bỏ thứ gì độc hại vào rượu “nút lá chuốt” thì tìm ra nguyên nhân cũng bở hơi tai.

Ở một số nước tiên tiến, đặc biệt các nước cấm kỵ như khu vực Trung Đông, khi cấp phép kinh doanh ăn uống, nhà chức trách thậm chí thẩm tra cả lý lịch, xem người kinh doanh có “bề dày” về đạo đức không. Nếu vi phạm một lần (thực khách ngộ độc nhập viện, hay chết…) thì người đó vĩnh viễn không được kinh doanh ăn uống. Họ coi trọng chuyện ăn uống vì đây là “cánh cửa” mà kẻ xấu dễ vào, dễ lợi dụng để đầu độc.

Ở ta, trách cơ quan chức năng chưa quản nổi chuyện ăn uống cho dân là đúng, nhưng trách cái thói quen ăn uống của mỗi người cũng không oan. Ai cũng muốn mọi thứ tốt đẹp cho mình và cứ nghĩ ở đâu đó có chiếc đũa thần có thể giải quyết mọi thứ. Trong khi đó, sức khỏe của mình, mạng sống của mình chỉ cần ăn uống thận trọng, điều độ là có thể giữ được, nhưng ít ai coi trọng.

Nói về rượu, có lẽ có cả ngàn tấn bi kịch từ nó. Tan cửa nát nhà, thậm chí có nhiều cái chết tức tưởi khi ma men cầm lái, ma men mất kiểm soát... Nhiều cái chết và nhiều sự băng hoại đạo đức đến từ việc quá chén. Tết nhất sắp đến rồi có lẽ nhiều người, đặc biệt là những người chịu hệ lụy từ việc người khác uống rượu sẽ rất sợ, rất hoang mang khi cái thức uống này được mặc sức thả phanh.

Khuyến cáo của tỉnh Quảng Ninh là văn minh, là nhắc nhở đúng lúc. Tuy nhiên, cần nhiều khuyến cáo thậm chí là biện pháp mạnh hơn nữa, đặc biệt từ các cơ quan sát dân như thôn, xã... Cần có chế tài mạnh hơn nữa giám sát rượu, cũng như cách uống rượu để giữ mạng sống cho dân, giữ hạnh phúc cho mỗi gia đình, bình yên cho làng xóm và xã hội. Sự giám sát và chế tài này chắc chắn đến từ cơ quan chức năng liên quan, nhưng có lẽ cũng cần có từ bản thân mỗi người, mỗi gia đình, cộng đồng…

Đề xuất thế có lãng mạn không?

Theo Báo giấy