Ngày 17/2, lễ hội Gầu Tào diễn ra tại xã Tà Mung, huyện Than Uyên, Lai Châu thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Tà Mung - xã vùng cao của huyện Than Uyên có 2 dân tộc Mông, Thái sinh sống, trong đó người Mông chiếm hơn 52%. Người Mông nơi đây có truyền thống văn hóa phong phú, với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, tiêu biểu nhất từ lâu đời, hàng năm được tổ chức vào đầu mùa Xuân.
“Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “hội chơi đồi, hội chơi núi mùa Xuân”.
Theo truyền thuyết dân gian, trước đây những cặp vợ chồng người Mông nào kết hôn nhiều năm chưa sinh được con cái hoặc con bị ốm đau thì gia đình sẽ chọn một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ cho gia đình, mời đại diện các hộ gia đình trong bản và những người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng cùng chứng kiến, nguồn gốc lễ hội Gầu Tào của người Mông bắt đầu từ đó.
Ngày nay, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng, lễ hội được nhân rộng trở thành lễ hội của cộng đồng làng bản. Bởi vậy, ngoài việc cầu con, lễ hội còn là dịp cầu tạ trời đất, thần linh phù hộ, cầu phúc, cầu lộc cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ông Sùng A Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Mung, huyện Than Uyên cho biết lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông xã Tà Mung được UBND huyện Than Uyên phục dựng từ năm 2023 thu hút đông đảo bạn bè, du khách, nhân dân các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Năm nay, lễ hội Gầu Tào được tổ chức với sự tham gia của 500 diễn viên, vận động viên đến từ 5 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống trong xã, cùng sự tham gia đông đảo của bà con nhân dân các dân tộc và du khách trong, ngoài tỉnh Lai Châu.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Phần lễ gồm nghi thức thắp hương và khấn xin thần linh cho phép mở hội trước cây nêu. Phần hội diễn ra các hoạt động như bà con tham gia múa khèn, ném pao, nhảy dây pao, rồng ấp trứng, bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, đánh cù, hát ống, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá, kéo nhị.
Lễ hội là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Đồng thời, là dịp để nhân dân các dân tộc cùng hội tụ, giao lưu văn hóa, tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian được duy trì và phát triển, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, bảo vệ các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của địa phương.