Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn: Vắt chân lên cổ

TP - Một năm sau góp ý, sáng 14/4, Bộ VH-TT&DL công bố quyết định triển khai và Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030. Dù rút kinh nghiệm từ bản dự thảo, nhiều đại biểu băn khoăn về hiệu quả từ quy hoạch chỉ còn 5 năm này.
Chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương cho diễn viên, nghệ sỹ vẫn chờ phê duyệt. Ảnh: H.Nguyên.

Tầm nhìn ngắn hạn

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Minh Thái phân trần, dù quy hoạch này được Chính phủ phê duyệt ngày 19/8/2014, nhưng đến 18/3/2015 Bộ VH-TT&DL mới ban hành quyết định. Sau TPHCM đến lượt Hà Nội hội nghị phổ biến triển khai, lấy ý kiến các nhà quản lý địa phương, đại diện đơn vị nghệ thuật.

“Hiện lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn có sự thay đổi lớn về thể loại, phương thức tổ chức, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Công chúng cũng thay đổi, tương tác giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế, đòi hỏi cần định dạng lại một số nhiệm vụ, nội dung đã lỗi thời của quy hoạch cũ”, PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nói.

Giới nghệ sỹ, quản lý văn hóa mong ngóng quy hoạch này từ lâu, tuy nhiên như TS Quang nói, thực ra quy hoạch này chỉ còn lại 5 năm. Thời gian hạn hẹp, nguồn lực bó hẹp. Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) Phạm Đình Thắng phân trần, đây có thể nói là quy hoạch đầu tiên của ngành NTBD nhưng rõ ràng còn nhiều trăn trở vì từ giờ đến năm 2020, Bộ VH-TT&DL phải xây dựng 17 đề án lớn, chưa kể nhiều đề án lớn triển khai rồi nên không đưa vào quy hoạch này. Trước đó ngành NTBD mất gần chục năm xây dựng quy hoạch rồi cũng không khả thi.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nói, quy hoạch lần này có nhiều cái mới, đánh giá được tiềm năng phát triển của khu vực, vùng miền. Hà Nội, Hải Phòng sẽ trở thành trung tâm trong phát triển NTBD của miền Bắc. Miền Trung là Huế, Đà Nẵng, khuyến khích phát triển khía cạnh thương mại của một số loại hình NTBD. Tuy nhiên, điều chưa thỏa mãn chính là chưa có thời gian thực hiện giải pháp cụ thể. “Đề án hỗ trợ ngân sách cho sáng tác tác phẩm chất lượng cao phải đến năm 2019 mới xong. Từ 2015-2018 xây dựng được đề án cơ chế đãi ngộ cho nghệ sỹ-quá lâu với đặc thù làm nghệ thuật”, ông Thọ  nói.

Nghệ sỹ vẫn day dứt

Không tính những thành phố lớn mà biểu diễn nghệ thuật diễn ra sôi động như Hà Nội, TPHCM, đa phần địa phương nằm trong tình cảnh lay lắt. Được mời lên góp ý, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang tranh thủ than nghèo kể khổ. Hà Giang có đến trên 30% xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Với 19 dân tộc anh em, sắc màu văn hóa quả đặc sắc, nhưng biểu diễn nghệ thuật chung tình trạng hiu hắt. Một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh được coi là “đoàn hoàng gia” vì được ưu ái, nhưng chế độ vẫn cứ ba chục, năm chục ngàn đồng bồi dưỡng cho diễn viên/suất diễn.

Đây không phải lần đầu, không riêng ngành NTBD mà điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng rơi hoàn cảnh quy hoạch ngắn hạn: Xây dựng mất công, tốn thời gian, đến khi được phê duyệt chỉ còn vài năm thực hiện.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, Giám đốc Nhà hát chèo Hưng Yên cũng nói, chế độ chính sách dành cho diễn viên, nghệ sỹ eo hẹp và lâu nay cào bằng. Nhiều người trẻ có tài được cử đi học là ở luôn Hà Nội chứ không chịu về địa phương. Cục phó Phạm Đình Thắng trấn an, Bộ hoàn thành đề án về chế độ đãi ngộ diễn viên, nghệ sỹ trình Chính phủ, đang chờ phê duyệt. Ngoài ra những chính sách về tuổi nghề cho phù hợp với đặc thù biểu diễn “thầy già con hát trẻ” cũng được đề xuất, nhưng còn vướng mắc ở Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Lao động.

Đại diện Hà Giang đề xuất xin kinh phí xây nhà hát đạt quy chuẩn, bởi “miền xuôi không có thiết chế này thì có cái khác, chứ miền núi không có gì”. Nhiều năm qua, ngay giữa Thủ đô, những nhà hát trung ương như NH Kịch Việt Nam, NH Cải lương Việt Nam đều chung cảnh ngộ “không có nhà để hát”. NH Cải lương Việt Nam xin được quỹ đất xây nhà hát, sau hết thời gian phải trả lại vì không tìm đâu ra kinh phí.

Một năm trước, báo chí đặt vấn đề với số liệu gần 7 nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng 71 nhà hát trong đề án này, sau đó được lãnh đạo Bộ lý giải hạng mục này bao gồm cả xây rạp chiếu phim, trung tâm triển lãm theo Quyết định 88 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến khi công bố quy hoạch, phần xây mới, chỉnh trang nhà hát lại khá chung chung.

Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu lo ngại, quy hoạch không chỉ rõ tiến độ xây dựng, chỉnh trang các nhà hát, nguồn kinh phí địa phương lấy ở đâu. Như một vị lãnh đạo Cục NTBD thốt lên “điều đáng buồn là khi kinh tế khó khăn, lãnh đạo tỉnh nghĩ đến cắt giảm đầu tư cho văn hóa đầu tiên”.