Quốc khánh thống nhất đầu tiên của người đánh tàu sân bay

TP - Ngay khi đất nước vừa thống nhất, ông Lâm Sơn Náo (Ba Náo) được ra Hà Nội dự Quốc khánh 2/9 đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Chuyến đi là một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời người lính biệt động thành. Lần đầu tiên ông Ba Náo đi máy bay, lại là máy bay vận tải quân sự C130 chiến lợi phẩm thu được của chính quyền Sài Gòn.

Vẹn nguyên ký ức

“Đoàn được đón tiếp rất trọng thị, liên tục được chiêu đãi, tặng quà, ở khách sạn cao cấp nhất Hà Nội lúc đó là khách sạn Thắng Lợi, ngay khi khách sạn này vừa khánh thành, ăn tiêu chuẩn cao nhất “12 đồng một bữa”. Rồi lãnh đạo xuống tiếp đoàn, thăm hỏi, động viên… Cả đoàn ai cũng hạnh phúc, cảm động với tình cảm của đồng bào miền Bắc, của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước” – bên căn nhà yên tĩnh ở quận 7, TPHCM, người hùng đánh tàu sân bay Lâm Sơn Náo bồi hồi kể cho phóng viên Tiền Phong ký ức một thời oanh liệt.

Người chiến binh anh hùng năm xưa giờ có thú vui chăm sóc vườn lan có nhiều giống lạ.

Nghe tin có đoàn cán bộ miền Nam ra, Bác Tôn Đức Thắng liền xuống thăm, ôm hôn từng người, hỏi chuyện gia đình, vợ con…Rồi Chủ tịch nước tặng mỗi thành viên trong đoàn 100 đồng để tiêu trong thời gian lưu lại miền Bắc. Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… đều tới thăm hỏi, động viên… Ông Ba Náo cười lớn, ở tuổi 79 nhưng ông giọng ông vẫn sung mãn, sang sảng, phấn khích: “Có thời giờ đâu mà tiêu? Đi đâu cũng được chiêu đãi, chỗ nào cũng cho tiền. Trước khi đi, thành phố cho mỗi người 100 đồng. Ra Hà Nội thì Chính phủ lại cho 100 đồng, Trung ương Đảng cho 100 đồng. Bộ Quốc phòng cho riêng bốn quân nhân mỗi người 1.000 đồng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm cơm chiêu đãi riêng bốn anh em bộ đội miền Nam”.

Họ nuốt nước mắt, âm thầm gửi con, em mình vào chiến trường, nơi hòn tên mũi đạn. Nếu không có xương máu của đồng bào miền Bắc thì ngày thống nhất chắc còn xa lắm”.

Cựu biệt động thành Ba Náo tâm sự

Ngay sau khi dự lễ khánh thành Lăng Hồ Chủ tịch, ông Lâm Sơn Náo cùng các thành viên trong đoàn tham dự lễ mít tinh kỷ niệm ngày quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Buổi lễ diễn ra thật trang trọng, hừng hực khí thế. Trong rừng cờ hoa và ảnh Bác Hồ của người dân thủ đô chào đón hai bên đường, những đoàn quân vừa làm nên chiến thắng chấn động địa cầu, rầm rập diễu qua lễ đài. Ông Ba Náo được ngồi trên khán đài, chung với các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ.

 

Ông Lâm Sơn Náo được đi thăm thú nhiều nơi ở miền Bắc, trong đó có Hòa Bình, tỉnh kết nghĩa của Sài Gòn - Gia Định… Ông kể, là tỉnh kết nghĩa nên bộ đội Hòa Bình thường được đưa vào chiến đấu tại chiến trường, nơi đặt toàn bộ cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, do vậy hy sinh cũng rất nhiều. Có gia đình có năm người con thì cả năm đều là liệt sĩ. Khi đoàn đến thăm, có bà mẹ sáu bảy mươi tuổi vẫn đang phải một mình ngoài đồng cày ruộng. Có bao nhiêu người con thì đưa vào Nam hết. Nhà có sáu con trai thì hy sinh bốn, hai người còn lại là thương binh nặng. Cả đoàn đến thăm ai cũng khóc. 

“Là người lính biệt động thành, tôi chứng kiến không ít đồng đội ngã xuống. Bản thân gia đình tôi cũng có nhiều mất mát, vì làm cách mạng mà tù đày, hy sinh… Nhưng chỉ đến khi đó tôi mới thấy hy sinh của các mẹ, các chị đồng bào miền Bắc lớn lao chừng nào. Họ nuốt nước mắt, âm thầm gửi con, em mình vào chiến trường, nơi hòn tên mũi đạn. Nếu không có xương máu của đồng bào miền Bắc thì ngày thống nhất chắc còn xa lắm”, ông Ba Náo tâm sự.

Tàu USNS CARD đang di chuyển trên sông Sài Gòn trước khi bị đội biệt động thành của Lâm Sơn Náo đánh chìm.
Tàu chở máy bay USNS CARD đậu cảng Sài Gòn trước lúc bị đánh đắm. Có thể thấy hàng chục chiếc trực thăng loại lớn CH 47 và máy bay phản lực ném bom Skyraider trên boong. Ảnh: Tư liệu.

Đánh chìm tàu chở máy bay

Trận đánh vang dội nhất trong cuộc đời chinh chiến của ông Ba Náo chính là trận đánh đắm tàu hộ tống chở máy bay USNS CARD ngay tại cảng Sài Gòn khi tàu này đang bốc dỡ máy bay. Để đánh tàu, ông Ba Náo đã dày công xây dựng cơ sở biệt động thành từ chính những người công nhân Cảng Sài Gòn như ông, do vậy số lượng, chủng loại tàu bè ra vào cảng ông nắm khá vững. Cùng lúc ông lên phương án đánh tàu. Mỗi khi tàu chiến Mỹ cập cảng, an ninh được thắt chặt tới mức “con ruồi bay qua cũng không lọt”, với nhiều lớp bảo vệ, với một tiểu đoàn lính dù, hải quân, địa phương quân, quân cảnh, cảnh sát Sài Gòn trên bộ, trên sông. Trong hàng rào kẽm gai bán kính 100m quanh tàu do quân cảnh Mỹ bảo vệ, lính người Việt cũng không được bén mảng. Trên bộ, trên sông và trên trời là vô phương. Chỉ còn phương án…chui ra từ lòng cống thoát nước ngầm hôi thối dài khoảng 1km nối từ cảng Nhà Rồng tới cảng Sài Gòn.

Để vận chuyển 80kg thuốc nổ TNT và 4kg thuốc nổ C4, kèm theo lỉnh kỉnh đồng hồ, dây điện chỉ có thể dùng xuồng thợ hồ, vào cảng với danh nghĩa sửa chữa, “ém” hàng tại gầm sân cảng trước khi tàu cập bến, cảnh sát lập hành lang cách ly. “Qua nguồn tin, tôi biết chính xác ngày giờ chiếc USNS CARD cặp cảng, dỡ hàng. Nhưng đúng hôm ấy thì một đồng đội là thợ điện Nguyễn Văn Cậy bị sưng phù hai mắt, hậu quả nhiễm trùng do chui cống đánh tàu hụt lần trước. Phải tìm thợ hồ Nguyễn Phú Hùng (Hai Hùng) thay thế. Rủi thay, Hai Hùng đi vắng, để lại tin nhắn từ sáng thì đến tối Hai Hùng mới về đến nhà. Lúc ấy cơ hội gần như đã qua, vì tàu đã cặp cảng, lập tức dỡ hàng. Nhìn những chiếc trực thăng đưa lên bờ, lắp ráp tại chỗ, xong là lập tức cất cánh mà tiếc đứt ruột” – ông Ba Náo nhớ lại, giọng vẫn còn tiếc nuối.

Chiều 1/5/1964 tàu USNS CARD cặp cảng, chất đầy 100 máy bay và nhiều vũ khí quân dụng cho quân đội Sài Gòn, trong đó có máy bay ném bom hạng nhẹ Skyraider, trực thăng vũ trang UH 1 và trực thăng hai thân hạng nặng CH 47 có thể cẩu được cả xe tăng. Bằng mọi giá phải đánh tàu, dù có phải hy sinh, ông Ba Náo tâm niệm. Nhưng lọt vào bằng cách nào là điều phải tính toán rất nhanh. Cuối cùng ông quyết định, nhưng phải chèo thuyền ra giữa sông ông mới nói kế hoạch với ông Hai Hùng.

Giả làm hai tay “thủy tặc” chuyên ăn hàng lậu từ tàu nước ngoài đang đậu ở cảng Nhà Rồng, ông Ba Náo chèo thuyền băng qua khu vực cách ly tàu chiến Mỹ. Chưa ra tới giữa sông, lập tức bị tàu cảnh sát, địa phương quân chặn lại. Vốn dĩ quá rành chuyện tàu nước ngoài tuồn hàng lậu cho đám thủy tặc trên sông, nên đám cảnh sát đòi chia phần. Nhờ vậy xuồng chở thuốc nổ của ông Ba Náo còn được cảnh sát hộ tống, bảo vệ khỏi tàu hải quân tuần tra. Hai ông đưa xuồng chở thuốc nổ vào cống ngầm an toàn.

Vừa kéo, vừa đẩy, có chỗ cạn phải lội bùn thải ngập tới bụng, thay nhau vác hai bọc thuốc nổ, mỗi bọc nặng 40kg đi hàng cây số tới 12 giờ đêm thì “sờ” được thành tàu. Ông Ba Náo gắn 80kg thuốc nổ cùng 4kg thuốc nổ cực mạnh C4 tại hai vị trí trọng yếu của tàu, cách nhau 10m. Xem đồng hồ lúc đó là 2 giờ sáng, nên hẹn giờ nổ sau 1 tiếng rồi “rút lẹ”. Cả hai bơi xuồng về đến nhà thì đúng 2 giờ 45 phút sáng, luộc tạm quả trứng ăn đỡ đói rồi hồi hộp đếm từng giây. 

Đúng 3 giờ sáng, từ phía Sài Gòn xuất hiện tiếng nổ long trời, xé tan màn đêm, cùng ánh lửa nháng lên đỏ rực. Sáng hôm sau, gần như tất cả các hãng thông tấn lớn của quốc tế và Sài Gòn đồng loạt đưa tin: Tàu USNS CARD bị Việt Cộng đánh đắm trên sông Sài Gòn. Con tàu soái hạm diệt ngầm từng là nỗi kinh hoàng của hải quân Đức trong Thế chiến thứ hai bị phá một mảng lớn, nghiêng hẳn một bên, chìm xuống ở độ sâu 6m, là mức sâu nhất của của sông Sài Gòn. 23 máy bay các loại trên tàu và trên cảng trở thành đống sắt vụn.

USNS CARD là tàu sân bay hộ tống Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến 2, có nhiệm vụ tìm diệt tàu ngầm Đức Quốc xã. Suốt Thế chiến, máy bay săn ngầm của tàu đã đánh chìm gần chục tàu ngầm đối phương vốn tung hoành khắp Đại Tây Dương. Hết nhiệm vụ săn ngầm, tàu được cải biến trở thành tàu sân bay trực thăng, chở quân, máy bay, trang thiết bị, vũ khí cho các chiến trường. USNS CARD được xếp vào loại tàu sân bay.