> Bốn bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn Quốc hội
Người dân cũng nóng lòng mong các đại biểu quốc hội có nhiều chất vấn sắc sảo, trách nhiệm, truy đến tận cùng vấn đề vì lợi ích của những người đã bỏ lá phiếu bầu mình.
Việc Quốc hội tăng cường chất vấn ở các phiên họp của Ủy ban Thường vụ và các ủy ban trực thuộc đã lấp bớt khoảng trống giữa hai kỳ họp, tạo thêm cơ hội cho cử tri nhìn rõ thêm hoạt động nghị trường.
Tuy vậy, các phiên chất vấn này lại bộc lộ khá rõ nhược điểm cố hữu: Dường như đại biểu quốc hội còn thiếu sự hỗ trợ cần thiết để thực thi trách nhiệm của mình.
Nguồn thông tin dùng chất vấn và trả lời chất vấn dựa trên cơ sở những khảo sát kỹ lưỡng, những nghiên cứu xã hội học bài bản đã không thấy xuất hiện.
Thay vào đó, sự hỏi-đáp trong nhiều trường hợp dựa trên thông tin có phần cảm tính, kiểu như “vừa qua báo chí phản ánh”, “có ý kiến cho rằng”, thậm chí có trường hợp còn dùng đến… tin nhắn để tăng sức nặng cho quan điểm cá nhân.
Đơn cử như phiên chất vấn của Ủy ban Pháp luật với một vị bộ trưởng xung quanh vấn đề thu phí hạn chế phương tiện giao thông, về chất lượng công trình…
Khi trả lời báo chí về việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, ông dẫn ra tin nhắn “nỗi niềm” của một gia chủ phải đóng thuế cho bốn chiếc ô tô để chứng minh việc thu ấy là hợp lý: “Tôi không nói những người đi ô tô là giàu hết nhưng họ đỡ nghèo hơn những người không có ô tô. Có người nhắn tin cho tôi, ông thu phí thế thì chết, nhà tôi có bốn chiếc ô tô…”.
Đó là chuyện của vị bộ trưởng kia lấy “tin nhắn” minh họa trong các trao đổi ngoài lề. Còn ở diễn đàn chính thức điều ngạc nhiên là người viện dẫn đến tin nhắn để trao đổi, chất vấn (phiên chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 24-4) lại chính là chủ tọa- vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Có cử tri vừa nhắn tin cho tôi nói rằng phải chất vấn tại sao các công trình giao thông bị rút ruột, lãng phí hàng ngàn tỷ đồng nhưng không bắt các chủ đầu tư, đơn vị thi công phải đền mà cứ nhằm vào thu phí của dân. Dân khổ lắm rồi”.
Tin nhắn không thể là ý kiến đại diện cho ý chí xã hội, cũng không phải là thước đo dư luận xã hội.
Khi đề ra chính sách đối với một ngành lớn, liên quan mật thiết đến sinh mạng, lợi ích của hàng chục triệu con người như giao thông cần có những điều tra xã hội học nghiêm túc, những cuộc thăm dò dư luận xã hội công phu và tin cậy.
Tương tự như vậy, một cơ quan quyền lực tối cao như quốc hội hay các ủy ban của quốc hội cũng cần có những công cụ tin cậy, thuyết phục hơn để giám sát hệ thống hành pháp.
Luận điểm của người đứng đầu Ủy ban Pháp luật rất chân tình, hợp lòng người, nhưng nó sẽ có uy lực hơn nếu có được những con số thống kê, những nghiên cứu bài bản để nói về tính bất hợp lý, làm khổ dân của việc thu phí.
Tất nhiên, với việc các vị dân biểu thiếu cơ chế hỗ trợ cần thiết thì việc chất vấn dựa trên “báo chí vừa phản ánh” hay “có người nhắn tin cho tôi” cũng đã là nỗ lực cá nhân rất lớn của các đại biểu khi gắng đưa tiếng nói người dân vào với nghị trường.
Nhưng chỉ riêng “nỗi khó” ấy đã cho thấy quốc hội còn rất nhiều việc cần phải làm để thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; các đại biểu phải nỗ lực rất nhiều để các phiên chất vấn không còn là màn hỏi đáp rời rạc, chiếu lệ để người trả lời biến thành diễn đàn khoe thành tích hoặc nói thế nào
cũng được…