Quốc gia nào đang chặn gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga?

TPO - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đến nay vẫn chưa đạt được thoả thuận về gói trừng phạt mới nhằm vào Mátxcơva, khi Hungary tiếp tục phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, Bloomberg cho biết hôm 8/5 trích dẫn nguồn thạo tin.

Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga khai màn hồi cuối tháng 2 đến nay, EU đã áp đặt tổng cộng 5 vòng trừng phạt nhằm vào Mátxcơva.

Đầu tuần trước, người đứng đầu Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyden xác nhận liên minh đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 6, bao gồm một lệnh cấm vận toàn bộ (theo lộ trình) đối với dầu mỏ Nga. Đây được cho là biện pháp cứng rắn nhất mà EU đưa ra đến thời điểm hiện tại, trong bối cảnh 25% lượng dầu mỏ của khối này được nhập khẩu từ Nga (theo số liệu năm 2021 của Eurostat).

Biết rằng sẽ vấp phải sự phản đối của Hungary và Slovakia - 2 quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu Nga, EU được cho là đã đề nghị 2 nước này, cũng như CH Séc, hoãn áp đặt lệnh trừng phạt cho đến năm 2024 để đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa. Những quốc gia còn lại - không phụ thuộc vào Nga - sẽ sớm phải chuyển sang các nguồn cung thay thế khác, chậm nhất là vào năm sau.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của Bloomberg, sự nhượng bộ này là chưa đủ để thuyết phục Hungary. Quốc gia này tiếp tục chặn gói trừng phạt thứ 6 của EU, trong cuộc họp giữa đại sứ của 27 nước thành viên ngày 8/5, nguồn tin cho biết.

Trước đó 2 ngày, Thủ tướng Hungary Victor Orban nói rằng lệnh cấm dầu sẽ là một “quả bom hạt nhân” đối với nền kinh tế của đất nước này, tiết lộ rằng ông muốn EU cho Hungary 5 năm để dần thay thế dầu của Nga.

Dù vậy, lệnh cấm dầu dường như không phải là vấn đề duy nhất của gói trừng phạt. Đề xuất cấm cung cấp các tàu và dịch vụ cần thiết để chuyển dầu của Nga sang các nước thứ 3 đã khiến Hy Lạp và CH Síp băn khoăn.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt khác được đề xuất bao gồm cắt giảm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và cấm các tổ chức, cá nhân Nga mua tài sản ở EU.

Mọi biện pháp trừng phạt của EU phải được 27 nước thành viên của khối nhất trí thông qua.

Hồi cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bình luận về các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây - cả những biện pháp đã được áp đặt và những biện pháp vẫn đang được thảo luận. Ông chỉ trích hành vi của một số chính trị gia, những người mà theo lời ông là đang kêu gọi công dân của họ “ăn ít hơn, mặc nhiều quần áo ấm hơn, hạn chế sử dụng hệ thống sưởi, hạn chế đi lại”, dường như vì lợi ích của những người muốn thể hiện sự đoàn kết mơ hồ ở Bắc Đại Tây Dương.

Theo RT, Bloomberg