Quanh chuyện tác quyền của các 'ông hoàng'

TP - Rào cản với ca khúc ra đời trước năm 1975 được gỡ bỏ  đã thổi vào thị trường âm nhạc Việt một luồng gió mới.  “Cha đẻ” của nhiều ca khúc được thêm tiền tác quyền. Sinh thời, “ông hoàng bolero” sống chật vật, khó khăn. 26 năm từ khi Trúc Phương khuất núi, những “đứa con tinh thần” ông để lại đã “đẻ” ra tiền. Người từng hỏi “Ai cho tôi tình yêu?” đã thu về số tiền tác quyền bất ngờ: Trên 1 tỷ đồng trong năm 2021.

Lần đầu tiên trong đời được như thế!

Trúc Lê, con trai nhạc sỹ Trúc Phương không che giấu thu nhập từ gia tài ca khúc của người cha nổi tiếng để lại. “Khoảng 2 năm nay thì khá. Trước đây, nhiều nhất một quý cha tôi chỉ nhận được khoảng trên 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Nhưng đợt mới nhất, 3 tháng vừa rồi, tôi thay cha lãnh 900 triệu đồng, đã trừ thuế. Lần đầu tiên trong đời được vậy đó”. Anh không kiềm chế được sự vui mừng khi kể chuyện. Trúc Lê còn tiết lộ tỉ mỉ: “Tôi lãnh 900 triệu đồng, vào ngày 24 tháng 7 vừa qua”.

Gia tài ca khúc của nhạc sỹ Trúc Phương không dồi dào về mặt số lượng. Theo anh Trúc Lê, cha anh để lại dưới 100 ca khúc. Tuy nhiên, những “đứa con tinh thần” của Trúc Phương lại may mắn được khán giả nhiều thế hệ yêu thích. Cho đến hôm nay, những nhạc phẩm như “Ai cho tôi tình yêu”, “Tàu đêm năm cũ”, “Thói đời”, “Buồn trong kỷ niệm”, “Nửa đêm ngoài phố”… vẫn được các ca sỹ theo dòng bolero nhiệt tình thể hiện và công chúng nhiệt tình đón nhận. Một số nhạc sỹ có tiếng trước 1975 đều bày tỏ, họ không bất ngờ với số tiền tác quyền mà “ông hoàng bolero” nhận được. Chỉ có người thân của cố nhạc sỹ không hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc thì choáng: “Nhận 900 triệu tiền tác quyền của quý vừa rồi tôi quá bất ngờ. Quý trước đó tôi nhận được hơn 400 triệu đã thấy nhiều. Nhận đến 900 triệu thì thật là… kinh khủng”, anh cười.

Nhớ đến người cha cả đời sống trong nghèo khó, Trúc Lê bỗng ngậm ngùi: “Thời ba còn sống không có tác quyền. Những hãng băng nhạc sử dụng bài của ông có thông báo cho ông, thỉnh thoảng ông ghé hãng băng chơi và xin ứng tiền trước. Nếu được như bây giờ ba tôi đã sướng”. Nhưng nếu sinh thời Trúc Phương có đời sống dư dả chắc gì ông đã viết được “Thói đời” ám ảnh tận hôm nay: “Rượu trần ai gội niềm cay đắng/Những suy tư in đậm đường hằn/Mình còn ai đâu để vui/Khi trót sa vũng lầy nhân thế/Cỏ ưu tư muộn phiền lên xám môi”.

Có người cho rằng, bolero đã hết thời nhưng tiền tác quyền mà “ông hoàng bolero” nhận được lại minh chứng ngược: “Chắc tiền tác quyền trong dòng bolero, ba tôi đứng hàng đầu. Nhờ cởi trói ca khúc trước 75 mà các sáng tác của ba được khai thác triệt để, bài nào cũng chạy liên tục. Trước đây chỉ khai thác khoảng 20 bài, bây giờ khai thác tận 70, 80 bài, có những bài ngày xưa không ai biết tới bây giờ khán giả lại biết”, con trai nhạc sỹ lý giải thu nhập “khủng” từ gia tài âm nhạc của cha.

“Ông hoàng mưa” gặp… nắng hạn

“Anh dìu em về/Đường về nhà em qua phiến đá xanh xao…”. Hà Phương không chỉ có một “Mùa mưa đi qua”, ông còn là chủ nhân của “Mưa qua phố vắng”, “Mưa đêm tỉnh nhỏ”… Bài nào cũng được yêu thích dài lâu. Đó là lý do giúp ông có biệt danh “Ông hoàng mưa”. “Ông hoàng mưa” còn viết “Em về miệt thứ”, “Bông điên điển” đến nay vẫn “ăn khách”. Người yêu nhạc Hà Phương cứ tưởng ông phải nằm trong danh sách những nhạc sỹ nhận tiền tác quyền 1 tỷ đồng/năm. Nhưng sự thật không phải vậy.

Ông nói đùa: “Mưa đâu không thấy chỉ thấy nắng hạn!”. Số tiền tác quyền mỗi quý ông nhận được “không đáng bao nhiêu” bởi: “Tôi có nhiều nhạc phẩm nổi tiếng nhưng tôi đã bán cho một trung tâm ở Hà Nội”. Đa số những nhạc phẩm “ăn khách” của ông đều đã ra đi như thế: “Bông điên điển”, “Em về miệt thứ”, “Mưa qua phố vắng”… Thậm chí ca khúc sáng tác cách đây vài năm “Bông mua tím” ông cũng đã bán. Hỏi ông có tiếc khi bán loạt ca khúc ăn khách này? Ông đáp: “Có tiếc”. Nhưng thời điểm ấy ông cũng cần phải bán vì cuộc sống phát sinh những khó khăn: “Tôi bán hồi 2018. Bán rồi bệnh luôn. Tôi bệnh 4 năm nay rồi”.

Nhạc sỹ Giao Tiên

Cùng với nhạc sỹ Hà Phương, nhạc sỹ Giao Tiên cũng là cái tên được khán giả và đồng nghiệp phán đoán: Nhận tác quyền 1 tỷ đồng/năm. Bởi ông là tác giả của nhiều ca khúc sáng tác trước 1975 được yêu thích: “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, “Lại nhớ người yêu”, “Cô Thắm về làng”, “Phận gái thuyền quyên”… Nhưng nhạc sỹ Giao Tiên phủ nhận: Ông không nhận được nhiều tiền tác quyền như người ta tưởng. Trường hợp của ông cũng giống trường hợp của nhạc sỹ Hà Phương: “Tôi bán khoảng 300 bài. Trong đó nhiều bài nổi tiếng. Bán để lấy tiền một lần. Đáng ra đã bán rồi thì thôi không được tiền tác quyền nữa. Nhưng do trung tâm ấy thương tôi, lại thấy bài của tôi sinh lời nên hỗ trợ thêm cho tác giả. Mỗi tháng tôi được hỗ trợ 5 triệu đồng”. Gia tài ca khúc của Giao Tiên giúp ông có 2 nguồn thu, ngoài hỗ trợ từ trung tâm đã mua bài của ông thì thu nhập chính đến từ tác quyền: “Gia tài của tôi dồi dào. Bán cho hãng ở Hà Nội rồi nhưng vẫn còn nhiều ca khúc lắm. Hồi trước tác quyền mỗi quý tôi nhận được chừng 60-70 triệu đồng nhưng bây giờ giảm rồi, chỉ còn khoảng 15 triệu đồng thôi”. Mấy năm trước ca khúc “Lại nhớ người yêu” do Giao Tiên sáng tác được người yêu nhạc bolero ví như “ca khúc quốc dân”. Độ “nóng” của ca khúc sáng tác trước 1975 này đã đánh bạt cả “Duyên phận”, sáng tác của Thái Thịnh, cũng được người mê bolero xem là “ca khúc quốc dân”.

Nhạc sỹ Hàn Châu

Vẫn vui dù nhận chẳng bao nhiêu

Chủ nhân của ca khúc “Gõ cửa - Một lần ghé thăm” tâm sự: “Nói thật với cô, có nhạc sỹ 3 tháng lãnh mấy trăm triệu đồng nhưng quý vừa qua tôi chỉ lãnh được 4,5 triệu đồng, trừ thuế còn 4,2 triệu đồng”. Những quý khác ông cũng không nhận được nhiều hơn nhưng cũng không vì thế mà sinh tị nạnh hoặc bất bình: “Tôi không viết nhiều, cũng chỉ có bài “Gõ cửa” ăn khách. Người sáng tác nhiều thì được nhiều. Người sáng tác ít thì được ít. Có thế thôi”.

Nhạc sỹ ngày xưa mang tiếng nghèo

Hàn Châu là tác giả của một loạt ca khúc xưa, hiện nay được yêu thích: “Thành phố sau lưng”, “Cây cầu dừa”, “Về quê ngoại”, “Lạy phật Quan Âm”… một số đồng nghiệp đoán ông thu được tác quyền không nhỏ. Hàn Châu giải đáp: “Tôi không tính nhưng chắc khoảng một tỷ đồng/năm trở lại, chớ không có nhiều đâu”.

Theo cha đẻ “Thành phố sau lưng”, tiền tác quyền ông nhận có dấu hiệu khởi sắc từ 2-3 năm nay: “10 năm về trước đâu có ai sống bằng tiền tác quyền? Cá nhân tôi sống bằng lương hưu”. Giống như nhiều nhạc sỹ cùng thời, ông cảm nhận âm nhạc bây giờ nuôi sống nhạc sỹ tốt hơn xưa, cho họ cuộc sống dễ thở hơn xưa: “Ngày xưa bài hát ra đời là mang bán cho Nhà xuất bản, bán xong lấy tiền đi ăn, đi nhậu lại hết, nên nhạc sỹ cứ mang tiếng nghèo. Hết tiền bán nhạc lại đau khổ, đau khổ lại lao vào viết, viết xong lại bán, bán xong lại nhậu. Vậy thôi, cứ trong vòng luẩn quẩn. Làm gì được như bây giờ”.

Con trai của cố nhạc sỹ Tâm Anh, tác giả “Phố đêm”, “Chuyện tình không dĩ vãng” cũng vui vẻ cho biết: “Những tác giả sở hữu gia tài ca khúc giàu có, mấy trăm bài, lại có nhiều bài được yêu thích như nhạc sỹ Thanh Sơn, tác giả “Nỗi buồn hoa phượng” nghe đâu cũng được trên 1 tỷ đồng/năm. Nhưng những nhạc sỹ không có nhiều ca khúc thì tiền tác quyền không cao, thí dụ như ba tôi, cũng là chuyện bình thường”. Nhạc sỹ Tâm Anh có khoảng thời gian ngưng sáng tác rất dài nên gia tài ca khúc của ông khiêm tốn cũng dễ hiểu: “Ba tôi nhận được ba mấy triệu một quý thôi, không nhiều. Chúng tôi vẫn phải lao động kiếm sống. Phần ba để lại để góp vào lo cho mấy cháu”. Tuy nhiên, con trai của tác giả “Phố đêm” ghi nhận: “Tiền tác quyền bây giờ tốt hơn trước. Trước đây tôi và mẹ tôi đi lãnh được có triệu mấy, hai triệu không đủ uống nước đâu. Càng về sau càng thấy khả quan hơn”.

Chân dung cố nhạc sỹ Trúc Phương

Tác giả “Giọng ca dĩ vãng”, “Nếu xuân này vắng anh” từ chối tiết lộ số tiền ông thu được từ tác quyền mỗi quý nhưng nhạc sỹ Bảo Thu xác nhận: “20 tháng trở lại đây tiền tác quyền tôi nhận được tôi hơn trước”. Các nhạc sỹ của dòng nhạc xưa đều công nhận, nhờ tiền tác quyền cuộc sống của họ ổn định hơn. “Kể cả không làm gì thêm thì tiền tác quyền cũng giúp tôi đủ sống”, nhạc sỹ Bảo Thu nói.

Nhạc sỹ Giao Tiên phấn khởi khoe: “Tuy số tiền nhận được không nhiều nhưng hàng quý tôi được nhận đều đặn”. Ông cho rằng đời sống của nhạc sỹ hôm nay tốt hơn xưa: “Tiền tác quyền bảo đảm quyền lợi của tác giả nhiều lắm. Chứ ngày xưa cứ nghe và hát tự do, đâu có được trả đồng nào. Bây giờ tôi coi như tôi có lương hưu rồi”. Nhạc sỹ Hà Phương nhìn nhận: “Có Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc thâu tiền tất cả người sử dụng, rồi gom lại nên nhạc sỹ nhận được nhiều hơn xưa. Ngày xưa bán một tác phẩm cũng thu về khá nhưng chỉ bán được có một lần thôi”.