Quản lý chặt chẽ nước ngầm, ngăn chặn khai thác bừa bãi, gây sạt lở đất

TPO - “Nước bao la bể sở thế này thì ngành Tài nguyên, các cấp có ngồi trông coi được hết không? Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng", Chủ tịch Quốc hội nêu. 

Sáng 14/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một chương riêng quy định về sản xuất cung cấp và tiêu thụ nước sạch, nước sinh hoạt.

Theo Thường trực Ủy ban này, nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cần quản lý nghiêm ngặt. Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong quy định pháp luật về quản lý nước, Luật Tài nguyên nước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nguồn nước, còn các hoạt động khai thác, sử dụng nước được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh QH

Trước ý kiến đề nghị bổ sung một điều riêng về tuần hoàn nước, tái sử dụng nước, ông Huy cho rằng tuần hoàn, tái sử dụng nước là giải pháp hiệu quả trong sử dụng tiết kiệm nước, nhưng hiện nay chi phí tuần hoàn, tái sử dụng nước cao gấp nhiều lần so với chi phí mua nước và chi phí xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Liên quan đến đăng ký cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc quy định các trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép khai thác tài nguyên nước với nước ngầm vì thực tế có nhiều băn khoăn về tình trạng khai thác bừa bãi.

Theo ông Định, nước ngầm phải hết sức lưu ý, cần nghiên cứu quy định theo hướng chặt chẽ hơn, nếu không phải đăng ký, dễ dẫn đến sụt đất, rất nguy hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị rà soát kỹ để quy định phù hợp, thống nhất. Các ý kiến cũng đồng tình quan điểm cần quản lý hết sức chặt chẽ nước ngầm, vì nhiều nơi khác thác quá mức dẫn đến sạt lở.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh QH

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến việc chống lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, tránh, giảm, hạn chế chuyện xin cho. Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết Đại hội đã có chủ trương rất lớn là kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường, nhưng thực tế làm được rất ít.

“Nước là một loại tài nguyên nên phải bám sát cơ chế thị trường định hướng XHCN trong việc quản lý sử dụng tài nguyên này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, quản lý bằng giấy phép cũng quan trọng, song đó là tiền kiểm, nên chăng tăng thêm các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để quản lý, hậu kiểm, để các đối tượng tự giác thực hiện.

“Nước bao la bể sở thế này thì ngành Tài nguyên, các cấp có ngồi trông coi được hết không? Phải quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn để cho tất cả người dân tham gia vào quản lý, khai thác, sử dụng. Có giấy phép là cần thiết nhưng tôi thấy luật này chưa chú trọng tới tiêu chuẩn, quy chuẩn”, Chủ tịch Quốc hội nêu.