Đoạn video một lần nữa gợi nhắc sự kiện xảy ra ngày 1/4/2001. Khi đó máy bay tuần thám EP-3 của Mỹ bay cách đảo Hải Nam khoảng 110 km thì bị 2 tiêm kích J-8II của TQ đánh chặn. EP-3 va chạm với một máy bay TQ, sau đó hạ cánh khẩn cấp trên đảo Hải Nam. Tiêm kích TQ bị phá hủy, phi công mất tích. 24 thành viên đội bay của Mỹ an toàn. Chiếc EP-3 được tháo rời và đưa trở về Mỹ.
Còn quá sớm khi nói về các vụ va chạm tương tự giữa Mỹ và TQ trong tương lai gần, bất kể việc Lầu Năm Góc tăng cường máy bay và tàu chiến tới gần các đảo được Bắc Kinh cải tạo. Nó đã làm rõ thêm mối quan hệ “nước lớn kiểu mới” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mối quan hệ này được định hình sau chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình (tháng 6/2013). Đây được xem là hiện tượng mới trong quan hệ quốc tế mà ở đó diễn ra đồng thời hai quá trình: hợp tác và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Trong đó, sự cạnh tranh giữa các nước này tác động đáng kể đến cục diện chính trị thế giới và có thể làm tổn hại lợi ích mỗi nước. Vì thế, các nước lớn luôn phải giữ thế cân bằng, duy trì sự ổn định chiến lược trong cục diện chính trị quốc tế, không để xảy ra xung đột. Tại Bắc Kinh hôm 17/5, ông Tập Cận Bình và John Kerry tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ trên đang thu được những kết quả tích cực.
TQ và Mỹ sắp tiến hành các hoạt động song phương quan trọng: Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung (tháng 6/2015 tại Mỹ); chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Washington (tháng 9/2015). Biển Đông căng thẳng, các hoạt động trên sẽ bị trì hoãn. Washington cũng như Bắc Kinh hẳn nhiên không muốn điều đó xảy ra.
Dù với động cơ nào, Washington sẽ tiếp tục chiến lược can dự vào biển Đông trong những năm tới. Tất cả đều vì lợi ích của Mỹ, chứ không phải vì quốc gia nào khác. Và, Bắc Kinh hiểu rất rõ điều đó.