Quận 1 lập facebook ẩm thực cho hàng rong kinh doanh

TPO - Trang fanpage kỳ vọng hỗ trợ các hộ bán rong chuyển đổi hình thức kinh doanh, hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè nhưng lại nhận được nhiều nghi ngại từ người dân bởi họ cho rằng ”lớn tuổi rồi nên đâu rành về công nghệ”.
Những người bán hàng rong trong khu vực bến xe buýt Bến Thành.

Từ giữa tuần nay, trên mạng xã hội xuất hiện một Fanpage có tên “Ẩm thực quận 1” do Chánh văn phòng UBND Quận 1 (TPHCM) lập ra nhằm hỗ trợ những người bán hàng rong kinh doanh, ổn định trật tự đô thị, hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè như hiện nay.

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ vận động Đoàn viên, Thanh niên quảng cáo địa chỉ trang này trên mạng xã hội cùng với việc tập huấn, hỗ trợ cho người dân kinh doanh online.

“Nếu bắt buộc phải bán qua mạng thì chắc sẽ tìm công việc khác”, bà Liên (65 tuổi, bán nước giải khát trên đường Lý Tự Trọng) cho biết.

Do chưa được phổ biến rộng rãi, hầu hết những người bán đều còn khá mơ hồ về phương thức bán hàng này, đa số người bán ở khu vực Quận 1 đều khá bất ngờ. 

Bà Liên (65 tuổi, bán nước giải khát trên đường Lý Tự Trọng) cho biết: “Tôi sử dụng điện thoại di động bình thường còn khó khăn, làm sao sử dụng được điện thoại cảm ứng mà lên mạng bán hàng.

Theo bà Liên, khách đi trên đường thuận tiện thì ghé lại mua rồi uống tại chỗ, chứ “mang đi xa thì tan hết nước đá còn gì?”.

Bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi) lắc đầu ngán ngẩm: “Người ta bán thức ăn thì bán qua mạng được, còn tôi bán singum, thẻ cào, nhang, thuốc lá thì đăng trên mạng bán sao được?”

Trang Fanpage "Ẩm thực Quận 1" đang trong quá trình xây dựng.

“Đăng lên rồi làm sao mà khách hàng biết mà mua, vả lại một cái bánh chỉ lời 500 đồng rồi làm sao bán kịp với người ta”, bà Nguyễn Thị Lan (83 tuổi, bán hàng rong tại khu vực bến xe buýt Bến Thành) tâm sự.

Bà Gái - người có nhiều năm bán bánh tráng trộn tại khu vực chợ Bến Thành cho biết: “Ở đây tôi vẫn thường hay đi giao hàng cho khách khi đặt số lượng lớn, nhưng việc sử dụng Facebook để bán hàng thì không biết có thể bán được không, lớn tuổi rồi nên đâu rành về công nghệ”.

Được biết, đa số những người bán hàng rong ở đây đều lớn tuổi, đều từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống bươn chải nên không có điều kiện tiếp xúc với công nghệ. Do đó, việc bán hàng bằng mạng xã hội đối với họ vẫn còn là phương thức xa lạ, khó triển khai.

Nhiều người dân cho rằng, việc triển khai bán hàng qua mạng chỉ có thể áp dụng cho một số mặt hàng thức ăn, chứ không giải quyết vấn đề cho tất cả những người bán hàng rong.

Đối với nhiều người, việc sử dụng smartphone để kinh doanh trên Facebook là một điều mới lạ và khó khăn.

Không chỉ những người bán hàng rong nghi ngại tính khả thi của việc bán hàng qua mạng thì ngay cả những bạn trẻ vốn quá quen mua hàng qua mạng thì cũng băn khoăn việc 'số hóa' ẩm thực vỉa hè.

Bạn Minh Thư (sinh viên) cho biết: “Mình thích cảm giác ngồi vỉa hè, tận mắt thấy người bán hàng chế biến món ăn hơn là được đặt rồi giao tới nhà. Hơn nữa, nếu giao trong quãng đường xa thì liệu thức ăn có còn thơm ngon hay không?”

Còn với bạn Ngọc Anh (25 tuổi) nói: “Nếu đem việc bán hàng rong kinh doanh qua mạng mà tiện lợi thì vẫn tốt, và mình vẫn có thể ủng hộ nếu kinh doanh bằng phương thức này.”

Ẩm thực vỉa hè ở quận 1 nói riêng và cả TPHCM nói chung đã in sâu vào tiềm thức của nhiều người. Bên cạnh những mặc lợi ích về trật tự mỹ quan đô thị, giảm bớt những vất vả cho người bán hàng thì việc  “công nghệ hóa” loại hình này vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.