Chiều tối 30/11, trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) xác nhận, địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở, một quả đồi lớn bất ngờ đổ ập xuống, hàng tấn đất đá tràn xuống đường. May mắn không thiệt hại về người.
Cụ thể, lúc 16h cùng ngày, một quả đồi lớn bất ngờ đổ sập xuống đường thuộc làng Măng Tông, thôn 5, xã Trà Cang. Đây là con đường người dân địa phương và học sinh thường xuyên đi lại, rất may thời điểm xảy ra vụ việc không có người qua lại.
Có mặt tại hiện trường vụ sạt lở, ông Lạc cho hay, quả đồi bất ngờ đổ ập xuống đường từ trung tâm xã về thôn 5, phía trước là khoảng ruộng, cạnh đó có một nhà dân nhưng rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại.
“Hiện các lực lượng đang căng dây cảnh báo, và hỗ trợ đưa các em học sinh qua lại. Chỗ này không nằm trong điểm có nguy cơ sạt lở, hoàn toàn bất ngờ, may mắn không có thiệt hại về người và tài sản”, ông Lạc nói.
Cũng theo ông Lạc, đợt mưa lũ này xã vận động di dời xen ghép 24 hộ dân, cảnh báo nguy cơ sạt lở đối với 120 hộ ở các thôn.
Tảng đá 35 tấn trên núi Cấm rơi chắn ngang đường sau mưa lớn
Ngày 30/11, UBND tỉnh An Giang cho biết, đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đá trên sườn núi tuyến đường lên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang).
Được biết, sườn núi Cấm có độ dốc đứng, vào ngày 11/10, mưa lớn sau bão số 7 đã khiến tảng đá lớn khoảng 13m, tương đương 35 tấn rơi xuống chắn ngang tuyến đường chính lên núi Cấm (đoạn từ lý trình Km4+600 đến Km4+650).
Vụ sạt lở đá núi không gây thiệt hại về người nhưng phía taluy âm tại vị trí đang sạt lở có khoảng 15 hộ dân sinh sống gồm 46 nhân khẩu và phía dưới taluy âm của tuyến đường này cũng có rất nhiều hộ khác.
Do đó, UBND tỉnh An Giang đã giao UBND huyện Tịnh Biên huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Đồng thời, thông báo tạm dừng lưu thông tuyến đường chính lên núi Cấm, khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng và không cho người, phương tiện vào khu vực nguy cơ. Ngoài ra, các chốt trực kiểm soát cũng được bố trí để điều tiết các phương tiện giao thông và người dân lên, xuống núi. Tổ chức sơ tán, tạm thời di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Tịnh Biên khoanh vùng có nguy cơ sạt lở đá đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo phạm vi sạt lở đá đặc biệt nguy hiểm, thiết lập hành lang an toàn và tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở đá, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Đồng thời, thẩm định phương án thiết kế công trình xử lí khẩn cấp sạt lở đá trên sườn núi tuyến đường lên núi Cấm để làm cơ sở thực hiện.
Ban Quản lí Đầu tư xây dựng khu vực huyện Tịnh Biên được giao làm chủ đầu tư công trình xử lý khẩn cấp. Khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, tổ chức lập dự án khẩn cấp theo quy định.