Nhưng nếu quả thực tháp nghiêng Pisa nằm ở xứ mình, thì không khéo các nhà trùng tu sẵn sàng… dựng thẳng nó lên thật! Bởi gần đây đã có quá nhiều những thành cổ, những di tích, cửa thành nổi tiếng có tuổi đời vài trăm năm đã được biến nguyên xi thành cái lò gạch đời 2010, trông trụi lủi một cách trơ trẽn.
Báo chí nước ngoài vừa đưa tin tháp nghiêng Pisa đã mở cửa trở lại sau gần 20 năm trời giải cứu khỏi nguy cơ bị đổ sập do các tảng đá bị ô nhiễm không khí và tác động của phân chim câu cũng như sự đông đúc của du khách.
Việc trùng tu của các chuyên gia Ý sẽ là quá lạ so với ta: Suốt chừng ấy năm, hàng chục người khỏe mạnh hầu như chỉ làm mỗi công việc là chùi sạch bụi bám, chữ viết và phân chim trên 24.424 khối đá của tòa tháp có tuổi đời trên 800 năm này. Và nhích tòa tháp bớt nghiêng chỉ có 38 cm so với ban đầu, thế là có thể vững bền tiếp 200 năm nữa. Khác xa với kiểu chăm chăm lập dự án để đập phá, xây mới di tích như từng diễn ra ở ta.
Khu đền tháp Chămpa ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) được coi là điểm sáng hiếm hoi trong việc trùng tu, bảo tồn cũng một phần nhờ bàn tay và cách nghĩ của các chuyên gia nước ngoài. Nhiều năm trước, lúc sinh thời, Kazik - kiến trúc sư người Ba Lan đã sống chết bảo vệ quan điểm bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc, các giá trị chân xác của tháp Chăm.
Giờ đây, Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang tiếp tục được bảo tồn đúng hướng bởi các chuyên gia đến từ Ý và Việt Nam, khi bước đầu thành công trong việc giải cứu sự sụp đổ để bảo tồn nhóm tháp G bằng dự án âm thầm suốt nhiều năm qua.
Không phải việc cứ chêm chèn gạch vào với gạch, đổ thêm ít nước cháo cho mau… mốc tường là “hoàn thành trùng tu” như có thành cổ nổi tiếng phía Bắc vừa lâm nạn. Mà là chắt chiu nghiên cứu về chất kết dính cổ xưa từ loại dầu rái, thảo mộc trong tự nhiên, rồi mổ xẻ soi chiếu từng viên gạch Chăm hàng bao nhiêu năm trời để tìm ra đáp số chân xác cuối cùng.
Lại nhớ cách đây mấy năm, sau nhiều hội thảo chuyên đề, phía Nhật Bản quyết định tài trợ cho Hội An đủ tiền để trùng tu gia cố lại di tích Chùa Cầu tuổi đời trên 400 năm hiện đang xuống cấp phần móng. Nhưng Hội An kiên quyết từ chối, bởi không đồng tình với phương cách hạ giải (tháo dỡ) phần lớn Chùa Cầu để gia cố đế móng. Đó là bài học đáng nhớ trong việc giữ gìn tính nguyên gốc của di sản.
Cái giá của trùng tu cũng là cái giá của thời gian. Mà thời gian thì vô giá. Trùng tu ăn xổi kiểu chạy dự án là một cách đánh cắp thời gian, đánh cắp ký ức lịch sử, văn hóa của cả dân tộc, chưa kể sự mất mát hao tổn vô ích tiền thuế của dân.
Bởi vậy, vẫn băn khoăn: Không biết tháp nghiêng Pisa nếu ở xứ ta thì rồi sẽ thế nào…