Cây phượng già bật gốc không chỉ gây họa cho học sinh mà còn để lại khoảng trống lớn giữa sân trường và biết bao câu hỏi lớn về trách nhiệm của nhà trường, của các nhà quản lý.
Từ gốc rễ đến thân cây phượng già này đều bị mục ruỗng nghiêm trọng, nên nó đổ chỉ là chuyện thời gian. Điều đó cho thấy sức khỏe của cây phượng già từ lâu đã có vấn đề nhưng không được ai, từ nhà trường đến đơn vị quản lý cây xanh đô thị quan tâm.
Không chỉ cây xanh trong sân trường, tình trạng sức khỏe cây xanh ở các đô thị đang rất không ổn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản người dân. Những bất ổn đó bắt nguồn từ khâu gieo trồng đến chăm sóc và quản lý.
Có bao giờ ai đó tự hỏi vì sao cây cổ thụ ở nông thôn ít bị ngã đổ do trốc gốc, trong khi điều đó thường xảy ra ở đô thị? Thực tế, người nông dân luôn trồng cây khi nó còn bé. Theo thời gian, rễ cây ăn sâu, bám chặt vào đất, vững chắc. Trong khi ở thành phố, cây được trồng chủ yếu đã cao lớn được bứng từ vườn ươm với phần lớn bộ rễ đã bị cắt gọt. Đây là lý do quan trọng nhất khiến cây ở đô thị dễ bật gốc. Chưa kể, rễ cây thường bị khống chế bởi bê tông nền móng và những vật cản xung quanh nên không thể vươn xa cùng tán lá.
Ở đâu đó trên những con đường trong thành phố, chúng ta vẫn luôn bắt gặp cảnh những cây xanh đã cao lớn bị gọt rễ, được chở từ đâu đó về và đặt vào vị trí định sẵn, một cách cưỡng bức. Dù được chằng néo kỹ lưỡng ở phần thân nhưng cây vẫn không thể đứng vững bởi rễ của nó không thể bám rộng, cắm sâu vào đất, đủ để nâng đỡ thân và cành lá sum suê. Vì thế, cây dễ dàng bật gốc và thảm họa xảy ra là điều dễ hiểu.
Dường như chúng ta mặc định quyền được đòi hỏi cây xanh phải cho cành lá, cho bóng mát, cho hoa trái và hương sắc… nhưng lại quên đi trách nhiệm của mình với cây. Cũng như con người, cây xanh luôn cần được chăm sóc và yêu thương đúng mực. “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa”, như lời một ca khúc của Trịnh Công Sơn. Nhưng cây cũng sẽ đem đến đau thương nếu con người chỉ biết ích kỷ hay quên đi trách nhiệm của mình.
Trở lại với chuyện đau lòng ở sân Trường THCS Bạch Đằng. Không chỉ là nạn nhân của cây đổ, qua sự việc này hé lộ khoảng trống việc dạy kỹ năng sống. Hậu quả là các em thiếu khả năng ứng phó trước những tình huống bất trắc, thảm họa. Ở đây dường như các em đã không được dạy về cây đô thị và không được dạy tìm hiểu về ngay những cây xung quanh mình, trong ngôi trường; không được hiểu về loại cây nào sống lâu có thể thân bị mục ruỗng. Các em cũng không được biết nhiều điều về tự nhiên rằng, sau mưa, giông, đất có thể bị úng trong nhiều ngày sau và cây vì thế cũng dễ bị đổ...
Khi nào những sai lầm lệch lạc được khắc phục? Không ai có câu trả lời chính xác. Chỉ biết, có học sinh đã không còn cơ hội chờ đợi người lớn sửa sai, mạng sống của em đã vụt tắt giữa mùa phượng thắp lửa.