Phương án 0 tuổi

Phương án 0 tuổi, Thai giáo, Học chữ qua thẻ hay Mẹ hổ, Tôi tài giỏi... là những phương pháp giáo dục có nguồn gốc nước ngoài đã và đang được du nhập Việt Nam.

> Trần Đăng Khoa: “Khi tôi lên 10...”

Nhiều bậc cha mẹ hiện rất quan tâm, thậm chí không tiếc tiền để học. Với thông điệp không có đứa trẻ nào kém cỏi, chỉ là chúng ta có biết cách giáo dục hay không, hàng trăm buổi thuyết trình của các diễn giả thu hút hàng trăm, hàng ngàn người tò mò đi nghe với một số tiền bỏ ra không hề nhỏ.

Một lớp học ở Trường mầm non Sài Gòn Academy - Ảnh: Hoàng Điệp.

Khi mẹ đi học

Với mức học phí 250.000 đồng/buổi, đối tượng học là bà mẹ và các bé có độ tuổi từ 6-12 tháng. Phương án 0 tuổi hay còn gọi là giáo dục sớm đã được mở tại Trường mầm non VSK (Hà Nội) và Sài Gòn Academy (TP.HCM). Sở dĩ lớp mở cho cả mẹ và bé bởi lứa tuổi ấy ngoài mẹ thì không ai dạy tốt hơn. Hiện tại nhà trường chưa mở lớp nhà trẻ độ tuổi ấy, mà cha mẹ lại có nhu cầu dạy con nên mỗi tuần Trường mầm non Sài Gòn Academy sẽ có một buổi học. Từ buổi học này trẻ em sẽ được làm quen với các thẻ chữ, hình ảnh, âm nhạc...

Các mẹ sẽ được hướng dẫn cách dạy con như thế nào, tạo học cụ ra sao, làm thẻ học như thế nào để các bé có thể vừa học vừa chơi. Sau mỗi buổi học tại trường, các mẹ và bé về nhà tự ôn bài với chừng 20 từ mới theo chủ đề. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng theo học đều đặn từ buổi học đầu tiên đến những buổi tiếp theo.

Chị Cẩm Phương (quận Phú Nhuận, TP.HCM) từng đưa con đến tham dự những buổi học đầu tiên của lớp học mẹ và bé đã dừng lại bởi chị cho rằng: “Mình đã mua bộ sách Phương án 0 tuổi và mình nghĩ nếu thực hiện được theo đúng những gì sách dạy thì cũng không cần thiết phải đưa con đến lớp học”.

Nhưng không ít bậc phụ huynh mong muốn con mình phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần đúng như mục tiêu mà Trường Sài Gòn Academy đã đề ra.

“Tôi không hi vọng con sẽ trở thành thần đồng, nhưng khi cháu được tiếp xúc sớm với kiến thức và được học đầy đủ các kỹ năng sống thì cháu không chỉ được phát triển IQ mà cả EQ nữa. Sau ba tháng đi học, tôi thấy rõ ràng con mình đã có sự tiến bộ” - chị Trương Vũ Thanh Hà (quận Bình Thạnh) ở lại đút cơm cho con tại trường kể về sự tiến bộ của con trai mình.

Với mức học phí 7,8 triệu đồng/tháng (bao gồm cả tiền ăn) không phải bậc cha mẹ nào cũng có thể đáp ứng được. “Tôi thấy tinh thần tập thể của con tốt hơn. Ví như trước đây cháu luôn được cả gia đình chiều và luôn cho rằng mình là trung tâm của gia đình và mọi nơi.

Cháu không biết chia sẻ đồ chơi với bạn bè hoặc chưa biết quan tâm đến những người thân trong gia đình. Nhưng bây giờ cháu đã nhận thức tốt hơn về điều đó. Cháu không còn la hét giữ đồ của mình và không giật đồ của người khác nữa”. Tuy nhiên, cũng theo chị Thanh Hà, sự chuyển biến ấy không phải ngay lập tức mà có: “Ví như hôm nay cháu không được khỏe nên đi học muộn, ăn sáng muộn ở trường. Còn rất nhiều tính nết chưa được đẹp cần phải uốn nắn và học từ từ”.

Mong ước của mẹ

Giờ học với những bài tập đơn giản - Ảnh: Hoàng Điệp.

9g30 sáng. Trời Hà Nội mùa đông lạnh buốt. Cánh cổng sắt của Trường mầm non VSK (quận Tây Hồ) khép hờ. Ở sân, một bà mẹ trẻ đang địu trước bụng một em bé đi đi lại lại. Chị cho biết chị đưa con trai lớn (5 tuổi) đến học tại Trường VSK đã được hai năm.

Vì con trai hơi mè nheo nên chị ở lại an ủi cháu một lúc. Đến lúc con trai theo bạn vào lớp học thì con gái bé lại ngủ. Vậy nên chị ngồi lại chơi để trò chuyện với cô giáo và các cháu bé khác trong giờ ngoại khóa.

Trong căn phòng khác, những đứa trẻ 4 tuổi đang nhào bột làm bánh rán. Cô phụ trách lớp và cô trợ giảng giới thiệu nguyên liệu để làm bánh rán gồm bột gạo nếp, đậu xanh và đường. Để nặn bánh, cô làm trước, các bạn làm sau. Mỗi bạn được chia phần bột bằng nhau, tự tay làm vỏ bánh, bỏ nhân rồi viên tròn lại.

Trong khi chờ các cô trợ giảng rán hết rổ bánh thì các bạn nhỏ xúm xít vào thiết kế các mẩu quảng cáo bán bánh rán. Việc viết một câu quảng cáo như thế nào các bạn đã được học. “Bánh vừa thơm vừa giòn”, “Bánh nóng giòn”, “Bánh rán thơm ngon nóng giòn”... là những mẩu quảng cáo mà các bạn viết ra để quảng cáo sản phẩm. Viết xong rồi, lựa chọn câu quảng cáo ngắn gọn và hiệu quả nhờ sự tư vấn của cô giáo. Đám trẻ chia rổ bánh thành ba phần mang đi bán tại các lớp khác nhau.

Hào hứng kể về lớp học của con và phương án 0 tuổi, chị Đặng Thu Vân cho rằng mình rất may mắn bởi có bố làm trong ngành giáo dục nên chị được tiếp xúc với các hội thảo về phương pháp giáo dục trẻ thông minh sớm rất nhiều. Vậy nên khi có con chị đã áp dụng ngay phương án 0 tuổi trong giáo dục.

“Bây giờ cháu lớn nhà tôi 5 tuổi nhưng đã biết đọc từ lúc 3 tuổi. Còn con bé này mới 14 tháng nhưng cháu thích các con số hơn, dù chưa cho đi học nhưng tôi đã bắt đầu dạy cháu học theo phương án 0 tuổi rồi”.

Phương án 0 tuổi được đưa vào Việt Nam thông qua bộ sách cùng tên: Phương án 0 tuổi. Phương án này dạy trẻ cách đọc sớm và nhận thức về xã hội sớm từ lúc 0-6 tuổi. Chị Vân cho biết để áp dụng phương án 0 tuổi cho hai đứa con, chị đã dành nhiều thời gian đầu tư cho hai đứa trẻ.

“Tôi nghỉ làm bởi tôi biết trong bốn năm đầu đời rất quan trọng với trẻ, và việc dạy dỗ các con không ai làm tốt hơn mẹ. Ngoài việc nhận thức sớm về chữ hay làm tính, học tiếng Anh, hai con của tôi đều rất độc lập và biết nhường nhịn chia sẻ cho nhau”.

Chị Vân cho biết chị lấy chồng sớm mà muộn có con, thế nên đối với chị, nuôi dạy hai đứa con là việc quan trọng nhất cuộc đời. Dù công việc thiết kế thời trang trẻ em đang ăn nên làm ra nhưng chị vẫn gác lại tất cả để nuôi dạy và chăm sóc hai bé.

Có hai con học tại Trường Sài Gòn Academy, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Dương) sáng nào cũng phải dậy từ 6g để 6g30 đưa các con vượt chặng đường dài đến trường.

“Cháu lớn nhà tôi rất nhút nhát và cháu bé rất ít khi nói chuyện. Nhưng từ khi vào học tại trường cháu đã linh hoạt hơn nhiều nhờ cô đã phát hiện khả năng của các bé”. Không kỳ vọng con mình trở thành thần đồng hay thiên tài, nhưng người mẹ này cũng cho biết: Nếu phát hiện sớm khả năng của con thì sẽ đầu tư đúng hướng để con giỏi giang hơn sau này.

Theo Hoàng Điệp
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại