Phú Yên: 10.000 người phải cấp tốc rời khỏi 91.000 lồng bè trước trưa nay

TPO - Tại Phú Yên hiện có hơn 10.000 người làm việc, sinh sống trên 91.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển, tập trung ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông (thuộc TX Sông Cầu) và vịnh Vũng Rô (thuộc huyện Đông Hòa). Đây chính là mối lo lớn nhất trong ứng phó với bão số 6 đang chuẩn bị đổ bộ vào đất liền. 
Hàng chục ngàn người nuôi tôm cá ở Phú Yên pải rời lồng bè trước buổi trưa nay ngày 10/11 - ảnh Văn Tài
Tỉnh Phú Yên đã huy động lực lượng hơn 6.200 người để tham gia công tác ứng phó bão số 6 tại các địa bàn cơ sở, trong đó có các khu vực lồng bè.

Tại vịnh Xuân Đài, ông Trần Thanh Công (ở xã Xuân Phương, Sông Cầu), cho biết: “Bè nuôi của tôi trị giá trên 5 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay. Đó là tất cả gia sản, nguồn sống của gia đình tôi và 4 người làm công. Nghe bão là tôi lo kéo bè xuống sát đáy, chằng néo chắc chắn hệ thống nhà bè”. 
Lực lượng chức năng ở TX Sông Cầu đôn đốc người dân nuôi tôm lồng bè vào bờ trú bão - ảnh Văn Tài 
Ông Công cho biết thêm, trước buổi trưa nay (10/11), sau khi cho tôm ăn xong là tất cả mọi người phải rời bè về nhà tránh bão. Bởi dự kiến chiều tối nay, bão số 6 sẽ đổ bộ vào vùng này. Bỏ bè giữa biển cũng lo lắm nhưng còn người là còn của.

Theo ông Nguyễn Hải Anh - Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu, các lực lượng chức năng đang ráo riết thông tin đến người dân nuôi thủy sản về diễn biến bão số 6. Đặc biệt, trước 11 giờ hôm nay ngày 10/11, lực lượng chức năng địa phương tiến hành kiểm tra lần cuối, nếu còn ai trên bè sẽ kiên quyết cưỡng chế vào bờ. 
Người nuôi trồng thủy sản trên vịnh Xuân Đài - Phú Yên chuẩn bị rời khỏi lồng bè để tránh bão - ảnh Văn Tài 

Tuy nhiên lo lắng không thừa, bởi còn nhiều người vẫn chủ quan, ở lại “bám trụ” trên bè để giữ tài sản. “Dân lo lắng bị hư hỏng lồng, bị mất cắp hải sản nuôi, tâm lý tiếc của vẫn luôn đeo bám bà con nhà bè. Nhiều bài học từ các làng nuôi hải sản là không thể để một người dân nào ở trên bè trong khi bão đổ bộ”, ông Hải Anh nói.

Lúc này, điều lo lắng nhất là những nhà bè vừa “nhập cư” về vịnh Xuân Đài. Đó là khoảng 200 bè của người dân từ các vùng biển lân cận vừa kéo dời tài sản đến Xuân Đài để tìm chỗ nuôi, trú ẩn bão lũ. 

Về những hộ này, ông Hải Anh cho biết những bà con này chưa quen con nước, thường thấy vùng vịnh Xuân Đài khá yên gió. Thế nhưng trong bão lớn kết hợp với mưa lũ lại là chuyện khác, hết sức nguy hiểm tính mạng người ở trên các bè ọp ẹp, tạm bợ. Địa phương đang cương quyết kêu gọi, cưỡng chế bất cứ ai ở trên bè trước 11 giờ ngày 10/11.

Kinh nghiệm từ cơn bão số 5 vừa đổ bộ vào TX Sông Cầu, thiệt hại đã giảm thiểu nhờ tập trung hạ kéo bè sát đáy và kêu gọi di dời cưỡng chế tất cả người trên bè. 
Các hộ dân ven biển Phú Yên di dời tránh bão - ảnh Văn Tài 
Kiểm tra hệ thống nhà bè và công tác an toàn trên vịnh Xuân Đài – nơi nhiều khả năng tâm bão số 6 sẽ đổ bộ, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết “Tôi yêu cầu tất cả các lực lượng chức năng tại Sông Cầu phải quyết liệt hỗ trợ người nuôi hải sản đảm bảo đưa lồng bè đến nơi an toàn. Cùng với Sông Cầu, tại các vùng xung yếu khác của tỉnh phải đảm bảo hoàn tất di dời người dân trước 12 giờ ngày 10/11. Dự kiến, trước cơn bão số 6, Phú Yên phải hoàn tất di dời khoảng 5.000 hộ dân đến nơi an toàn tránh trú”.   

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện có trên 4.000 tàu cá của tỉnh với gần 25.000 lao động trên các vùng biển đều đã nhận được thông tin về tình hình diễn biến cơn bão số 6, chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

Ngoài ra, Phú Yên hiện có 7 hồ thủy lợi lớn, trong đó, 3 hồ xả tràn có cửa van, tổng dung tích trữ các hồ hiện khoảng 50% dung tích thiết kế. Riêng hồ thủy điện Sông Hinh đạt 30% dung tích; thủy điện Sông Ba Hạ đạt 20% dung tích. Các hồ thủy điện cam kết thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa, trước khi xả lũ phải gọi điện thoại thông báo đến từng hộ dân trong vùng nguy hiểm.