Thành tích đã đạt được
Tân Sơn từng là huyện có tên trong danh sách 63 huyện nghèo nhất của cả nước với trên 83% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 61%. Tranh thủ huy động mọi nguồn lực từ Chương trình 30a (Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững), Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi)… huyện Tân Sơn đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ như: Các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hộ nghèo về nhà ở; cho vay học sinh sinh viên thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn; cho vay hộ dân tộc thiểu số; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn… Đến năm 2018, Tân Sơn chính thức ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo huyện Tân Sơn giảm còn 18%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng 10%; toàn huyện đã có 100% hệ thống đường giao thông liên xã, huyện, tỉnh được trải nhựa, 800km đường được cải tạo, nâng cấp, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa là 77,2%; có 18 cây cầu vượt lũ được xây dựng và đưa vào sử dụng, phần nào giảm được tình trạng chia cắt các vùng vào mùa mưa lũ, thúc đẩy phát triển giao thương hàng hóa.
Chương trình giảm nghèo được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Trong đó tập trung vào các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; hầu hết các chính sách, dự án của chương trình thực hiện đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,04% năm 2016 xuống còn 4,34% năm 2020 (bình quân giảm trên 1,6%/năm), với gần 35.000 hộ thoát nghèo (bình quân 7.000 hộ thoát nghèo/năm); đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm toàn tỉnh còn 24.604 hộ nghèo chiếm 5,88%; 19.531 hộ cận nghèo, chiếm 4,67%. Toàn tỉnh có gần 15.000 hộ thoát nghèo, trong đó tỉ lệ hộ tái nghèo thấp hơn nhiều so với tổng số hộ nghèo.
Mục tiêu giai đoạn tới
Nhằm tạo bứt phá cho các địa phương trong công tác giảm nghèo, tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu đề ra là nâng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên hai lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trung bình mỗi năm giảm 2%/năm; phấn đấu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận thông tin và được thụ hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ theo các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh để “không để ai bị bỏ lại phía sau”… Đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đạt 72%.
Ông Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết: Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo đảm bảo tiến độ. Phấn đấu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo tạo sức lan toả trong xã hội…
Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Qua đó phát huy sức mạnh nội lực, huy động sự vào cuộc của xã hội trong huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững…
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức triển khai Chương trình, đảm bảo Chương trình thực hiện đạt được mục tiêu đề ra. Kịp thời giám sát, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nghèo tự xác định được tình trạng nghèo của hộ gia đình, kết nối với thị trường và nâng cao nhận thức, năng lực vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no…