Phụ huynh đóng tiền để trả nợ cho phường?
Hàng chục khoản thu được liệt kê ra, có những khoản chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh nhưng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 (TP Thanh Hóa) vẫn tiến hành thu. Nhà trường còn thu tiền để trả nợ cho phường.
Phụ huynh “méo mặt” vì các khoản đóng góp
Một số phụ huynh có con em đang theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 phản ánh, trong năm học 2013 - 2014 này, nhà trường đã đưa ra nhiều khoản thu rất vô lý. Có những khoản thu ngoài quy định nhưng lại bắt phụ huynh phải đóng với số tiền rất cao, có khoản thu lên đến 500 nghìn đồng/1 học sinh (HS).
Tiếng là các khoản thu tự nguyện, nhưng mà tự nguyên trên tinh thần “ép buộc”, vì nhà trường không thông qua việc lấy ý kiến phụ huynh nhưng vẫn tự ý thu và các phụ huynh có muốn không đóng cũng phải chịu.
Qua tìm hiểu của về các khoản thu năm học 2013 - 2014 của Trường Nguyễn Thị Minh Khai 2, trong đó có những khoản thu theo quy định gồm: BHYT học sinh, Quỹ đội, Quỹ nhân đạo; tiền bán trú ngoài tiền ăn hàng tháng thì đối với HS lớp 1 là 500 nghìn/1HS, 200 nghìn đồng/1HS để mua bổ sung từ lớp 2 - lớp 5.
Đối với khoản thu tiền bán trú thì các phụ huynh có con em từ lớp 2 - lớp 5 đều thắc mắc, khi con em học lớp 1, phụ huynh đều đã đóng tiền cho nhà trường để mua đầy đủ đồ dùng bán trú cho con em, nhưng cứ mỗi năm học lại phải tiếp tục đóng tiền mua đồ dùng bổ sung?
Các khoản thu theo thoả thuận được nhà trường đưa ra như: Công tác xã hội hoá (lớp 1: 500.000đ/HS, lớp 2 đến lớp 3: 400.000đ/HS, lớp 4: 300.000đ/HS, lớp 5: 200.000đ/HS); đóng góp ngày công lao động của phụ huỵnh: 50.000đ/HS/năm; quỹ hội cha mẹ HS: 150.000đ/HS/năm; làm đồ dùng dạy học, bổ sung thư viện: 50.000đ/HS/năm; nước uống: 70.000đ/HS/năm; quyét vệ sinh sân trường, dọn nhà vệ sinh khu A và B, trả tiền vệ sinh môi trường, mua giấy vệ sinh, hỗ trợ bảo vệ: 80.000đ/HS/năm; bảo dưỡng máy tính, mua máy bổ sung, điện hỗ trợ phòng máy…
Được biết, các khoản thu trên đều không có trong quy định nhưng nhà trường khi đưa ra họp phụ huynh bàn thì các phụ huynh đều không đồng ý, và cũng chưa thống nhất nhưng nhà trường vẫn tiến hành thu.
Một phụ huynh phản ánh, tiền công tác xã hội hoá là khoản thu phải được sự đồng ý đóng góp hoàn toàn tự nguyện của phụ huynh. Nhưng năm nào trường cũng tiến hành thu. Năm nay, số tiền này được tăng lên gấp đôi, trong khi đó phụ huynh vẫn chưa đồng ý nhưng vẫn cứ bắt phụ huynh phải đóng.
Bên cạnh đó, có một khoản tiền ngày công lao động phụ huynh cũng không đồng ý, khi thực hiện tu sửa lại trường, nhà trường bắt phụ huynh đi dọn các chất thải. Phụ huynh không đi làm công được, nhà trường thuê người làm rồi ấn định thu mỗi HS là 50.000đ.
Bà Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 cho biết: “Về các khoản thu công tác xã hội hoá giáo dục, sau khi xem xét, chúng tôi thấy đây là mức thấp nhất có thể thu được, và cũng đã họp hội đồng phụ huynh xin ý kiến thống nhất. Hầu hết các phụ huynh đều không nhất trí đóng góp xã hội hoá giáo dục để chi trả cho việc xây dựng trường, sửa chữa nhà trường vừa qua, mà chỉ đồng ý xã hội hoá cải tạo để mua sắm bàn ghế hư hỏng, quạt mát, nâng cấp cải tạo sân trường tránh ngập úng khi trời mưa. Đóng góp để mua sắm trang thiết bị phục vụ cho con em học tập”.
Nếu tính tổng cộng các khoản thu mà mỗi HS tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 phải đóng trong năm học này thì số tiền lên đến gần 4 triệu đồng.
Bà Hường cho rằng đây mới chỉ là dự toán thu chi chứ nhà trường chưa tiến hành thu. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh đã “bắt buộc” phải đóng tiền cho con.
Thu tiền “xã hội hoá giáo dục” để trả nợ cho phường?
“Số tiền nhà trường đưa ra thu mỗi HS như vậy là mức thấp nhất, đã báo cáo lên cấp trên và được sự đồng ý. Nếu như dự toán ban đầu thu tiền xã hội hoá năm học 2013 - 2014, mỗi HS phải đóng là 1.375.000đ thì nhà trường mới đủ tiền trả nợ số tiền 800 triệu đồng cho phường (UBND phường Trường Thi, TP Thanh Hóa - PV). Đây là số nợ mà thầy Hiệu trưởng trước đã ký ngày 19/6/3013 với phường, nhà trường phải tiến hành xã hội hoá đến tháng 12/2013 hoàn thành số tiền còn nợ cho phường”, bà Hường cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Thanh Hoá cho biết: “Việc thu tiền xã hội hoá giáo dục mà Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 đưa ra là đúng với hướng dẫn chỉ đạo. Nhà trường cũng có đưa ra mức thu báo cáo lên phòng. Tuy nhiên mức thu này quá cao nên tôi đã yêu cầu nhà trường phải điều chỉnh, phải căn cứ vào khả năng của cha mẹ HS mà đưa ra mức thu cho hợp lý. Đến nay chưa thấy trường báo cáo lại”.
Theo ông trưởng Phòng giáo dục thì: “Thu tiền xã hội hoá giáo dục là hợp lý, nhưng quan trọng là quy trình thực hiện của nhà trường có đúng không. Đây là khoản thu tự nguyện, vì vậy phải có hơn 70% phụ huynh HS nhất trí mới được phép tiến hành thu, nhưng không bắt buộc mà phải trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh”.
Tình trạng lạm thu đang diễn ra tràn lan, ông trưởng phòng giáo dục nói chưa có trường nào báo cáo lên. Trong khi đó, ông Dũng nói: “Số tiền thu khoản xã hội hoá mà Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai 2 đưa ra là đang còn rất thấp, nhiều trường còn thu cao hơn nữa”.
“Hiện nay nhà trường đang còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất thiếu thốn, ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Phụ huynh đóng góp để cùng nhà trường khắc phục những khó khăn thì HS, giáo viên mới yên tâm công tác được. Việc thu tiền của HS để trả nợ cho phường đúng thời hạn như cam kết thì không thể được, vì số tiền quá cao so với quy định”, ông Dũng nhận định.
Theo Thái Bá
Dân Trí