Chậm tiến độ kéo dài
Gần 10 năm, kể từ khi được phê duyệt đầu tư, dự án nhà ở xã hội hàng trăm tỷ đồng tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa (Thanh Hóa) đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Theo hồ sơ, năm 2010, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư xây dựng công trình cụm nhà ở sinh viên khu vực phía Nam thành phố Thanh Hóa. Dự án do Sở Xây dựng Thanh Hóa làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng gồm 3 khối nhà 15 tầng, diện tích khoảng 2,5ha. Mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng chỗ ở cho sinh viên trên địa bàn thành phố Thanh Hóa. Sau khoảng hơn 1 năm được thi công rầm rộ, dự án cơ bản hoàn thiện phần thô tòa nhà 15 tầng, sau đó dừng lại do hết vốn.
Đến năm 2016, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chuyển đổi từ dự án nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp. Chủ đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Phát triển hạ tầng Hợp Lực. Sau điều chỉnh, dự án gồm 960 căn hộ, trong đó 900 căn là nhà ở xã hội và 60 căn nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ. Tổng mức đầu tư giảm còn khoảng 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ khi được chấp thuận, dự án vẫn chỉ là tòa nhà 15 tầng, bỏ hoang cho đến nay.
Theo Sở Xây dựng Thanh Hóa, nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do việc chậm giao đất cho doanh nghiệp. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa mới thực hiện xong việc giao đất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi giao đất còn vướng nhiều quy định và thủ tục nên chưa thể triển khai.
Theo kết quả thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất thực hiện dự án của các đơn vị được nhà nước giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, thống kê đến ngày 5/2/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã lập danh sách 189 dự án đang vi phạm pháp luật đất đai.
Tại trung tâm TP Thanh Hóa, hàng loạt công trình, dự án “đất vàng” cũng đang trong tình trạng “treo”, bỏ hoang. Cụ thể như: Dự án khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại tại phường Đông Hương (TP Thanh Hóa) được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh làm chủ đầu tư từ năm 2007. Một năm sau, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi và giao khu đất có diện tích gần 2 ha cho công ty này triển khai dự án. Năm 2019, Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh xin điều chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng. Tiếp đó, tháng 3/2020, công ty này tiếp tục đề nghị điều chỉnh dự án thành khu phức hợp thương mại và dịch vụ cho thuê Công Thanh. Nhiều năm qua, dự án này chỉ là bãi đất trống, bỏ hoang, cỏ cây mọc um tùm. Tại ngã tư đại lộ Lê Lợi giao với đường Lê Hoàn (thành phố Thanh Hóa), dự án trung tâm thương mại trên thửa đất rộng 1.790m2 của Công ty cổ phần Phát hành sách Thanh Hóa đang trong quá trình được xây dựng thì bị dừng do tranh chấp pháp lý, “đắp chiếu” suốt nhiều năm qua. Phía bên trong dự án này, chủ đầu tư đã thi công phần móng, nhiều trụ sắt thép bị hoen rỉ do bỏ hoang nhiều năm...
Ngoài TP Thanh Hóa, nhiều địa phương khác của tỉnh này cũng tồn tại thực trạng dự án bỏ hoang. Điển hình như, 14 năm kể từ ngày được lựa chọn đầu tư, dự án nhà ở và dịch vụ cao cấp trên “đất vàng” tại phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) có diện tích 6,7ha với tổng mức đầu tư gần 250 tỷ đồng của Công ty TNHH Điện tử - Tin học - Viễn thông EITC vẫn chỉ là bãi đất trống. Dự án có vị trí đắc địa, tuy nhiên, kể từ khi được giao đất cho đến nay, chủ đầu tư mới xây dựng đường nội bộ, trồng cây xanh. Các công trình xây dựng khác trong dự án chưa được thực hiện theo quyết định phê duyệt. Ngày 11/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề xuất của chủ đầu tư cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng chậm nhất đến ngày 15/11/2023.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dự án chậm tiến độ là do công tác quy hoạch xây dựng các dự án còn nhiều bất cập; sự thiếu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của một số chủ đầu tư được giao thực hiện dự án; một số nhà thầu gặp khó khăn về huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư do sự thắt chặt của các tổ chức tín dụng...
Để khắc phục tình trạng trên, tại kỳ họp hội đồng nhân dân gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nêu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án. Đặc biệt, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.
Vướng mắc xử lý công trình sau sáp nhập
Là một trong những địa phương có đơn vị hành chính cấp xã, huyện sáp nhập lớn, do nhiều vướng mắc, bất cập mà hàng loạt nhà, đất, công sở dôi dư sau sáp nhập ở tỉnh Thanh Hóa, bỏ không, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí.
Đa phần các địa phương đều chuyển công năng sử dụng nhưng chưa thực sự có hiệu quả, thừa diện tích nhưng thiếu phòng chức năng. Thêm vào đó hành lang pháp lý cho việc xử lý tài sản nhà, đất này đang còn nhiều bất cập.
Cụ thể như về quy hoạch, việc điều chỉnh từ đất công sang loại đất khác, thay đổi mục đích sử dụng... Chưa kể các cơ sở nhà, đất không còn hồ sơ, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Đáng chú ý, tại tỉnh này còn có tình trạng các cơ sở đang trong quá trình hoàn thiện đã phải sáp nhập rồi bỏ hoang khiến người dân bức xúc. Cụ thể như, công sở, hội trường xã Quảng Phúc (huyện Quảng Xương) đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng sau đó bỏ không. Hay như hệ thống công sở, hội trường, trung tâm văn hóa xã Thuần Lộc (huyện Hậu Lộc) chưa kịp hoàn thiện thì sáp nhập vào xã Văn Lộc gây lãng phí nguồn đầu tư.
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đã yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại cơ sở nhà đất phải lập trình, phê duyệt phương án sắp xếp, tiến hành nhanh, sớm và hoàn thành trong năm 2024. Công tác sắp xếp cần gắn liền với việc chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra, bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, người dân. Đơn vị, địa phương nào chậm trễ thực hiện sẽ bị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo báo cáo của Sở Tài chính Thanh Hóa, sau khi rà soát, điều chỉnh theo các phương án, tổng số cơ sở nhà, đất đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 11.422 cơ sở. Các đơn vị đã tiến hành phân loại, cơ sở nhà đất của các sở, ngành và đơn vị công lập cấp tỉnh là 364 cơ sở; cơ sở nhà, đất của các huyện, thị xã, thành phố là 11.058 cơ sở. Trong năm 2023, có 10.380 cơ sở đã được phê duyệt giữ lại tiếp tục sử dụng; 283 cơ sở chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; 51 cơ sở thu hồi; 59 cơ sở tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; 270 cơ sở thực hiện điều chuyển; 379 cơ sở thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.