Biến thể phụ liên tục biến đổi
Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của XBB.1.5, một dòng phụ của biến thể Omicron. Tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, biến thể phụ XBB đã xuất hiện tại TPHCM và Tây Ninh nên Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp.
Cụ thể, các biến chủng, biến thể phụ của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi; miễn dịch do tiêm vắc xin giảm dần theo thời gian cùng với việc mở cửa, nới lỏng các chính sách phòng, chống dịch của một số nước trong khu vực sẽ dẫn đến nguy cơ số trường hợp mắc COVID-19 gia tăng.
Hiện biến chủng phụ XBB, XBB 1.5 của Omicron lây lan rất nhanh trên toàn thế giới với hơn 60 quốc gia đã ghi nhận chủng này. Ông Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương), đánh giá các ca bệnh xâm nhập là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, Việt Nam từ ghi nhận 1,5 triệu ca COVID-19 một tuần xuống còn dưới 1.000 ca cho thấy hiệu quả của việc bao phủ tiêm vắc xin cho người dân.
“Nền tảng miễn dịch trong nước tăng, ca bệnh nặng giảm, tuy nhiên chúng ta vẫn cần chủ động ứng phó khi các biến chủng virus thay đổi liên tục. Việc lấy mẫu xét nghiệm có mục đích cao nhất là theo dõi các biến chủng mới”, ông Nghĩa nói.
Liên quan vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19, trong văn bản mới đây nhất gửi UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã đến lúc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng COVID-19 nhưng chưa được tiêm; tuyên truyền, vận động để người dân tiêm chủng.
Trước đó, Bộ Y tế thường xuyên yêu cầu các đơn vị chuyên môn, các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện phân luồng, thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, hóa chất, sinh phẩm phòng, chống dịch; có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh, trong đó các địa phương chỉ đạo các cơ sở nhận khách lưu trú bố trí nơi cách ly cho trường hợp khách du lịch nhập cảnh bị mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, không cần nhập viện.
Test các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng test nhanh các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu là việc cần thiết để có biện pháp chống dịch trong thời gian sắp tới. Theo đó, nhân viên y tế lấy mẫu người sốt, ho, khó thở để test nhanh tại chỗ. Nếu kết quả dương tính sẽ tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giải trình tự gene virus nhằm phát hiện sớm các biến chủng phụ mới. Các ca nhiễm được phân loại kịp thời để điều trị hợp lý.
“Trong bối cảnh mới, các biện pháp phòng chống dịch phải linh hoạt và an toàn chứ không nên phát sinh thêm bất kỳ thủ tục gì khác”, ông Nguyễn Lương Tâm nói.
TS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, quan điểm của Bộ Y tế là không xét nghiệm PCR nhưng “xét nghiệm bất kì” và giải trình tự gene virus, có phương án ứng phó. Cùng với đó phải chuẩn bị các tình huống xử trí khi phát hiện ca bệnh nặng, suy hô hấp, vận chuyển từ cửa khẩu về cơ sở y tế.
Ông Đặng Viết Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Lạng Sơn, cho biết, lực lượng chức năng đã chuẩn bị vật tư y tế, nhân lực, máy đo thân nhiệt từ xa để phát hiện ca nhiễm nhằm cách li và xử lý kịp thời.
Đánh giá về chủng Omicron XBB vừa được TPHCM ghi nhận, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng nói các biến chủng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn nhưng vắc xin hiện tại vẫn có thể phòng chuyển bệnh nặng, tử vong. Do dó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, tiêm chủng vắc xin đủ liều, đúng lịch.