Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp kiểm tra công tác bơm tiêu úng tại trạm bơm An Quốc (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), công tác chống ngập úng cho lúa Mùa tại xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy).
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình biểu dương tỉnh Thái Bình đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với cơn bão số 3, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng chia sẻ, động viên cán bộ, nhân viên Trạm bơm An Quốc nói riêng, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Thái Bình nói chung nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương vận hành tối đa hệ thống tiêu úng, kịp thời tiêu úng cứu lúa Mùa, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho bà con nông dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Thái Bình - địa phương có diện tích trồng lúa lớn trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của bão số 3 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotes Việt Nam, Trạm bơm Mai Diêm nằm trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu Kinh tế Thái Bình), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ biểu dương nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp là Công ty cổ phần Green i-Park và doanh nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, bảo đảm an toàn hệ thống nhà xưởng và an toàn cho công nhân, người lao động.
Đặc biệt, Công ty cổ phần Green i-Park đã chủ động đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng trạm bơm Mai Diêm với 4 tổ máy được thiết kế năng lực tiêu thoát nước khi vận hành hết công suất là 24.000 m3/giờ, đảm bảo tiêu úng cho Khu công nghiệp Liên Hà Thái và hoạt động sản xuất của nông dân khu vực lân cận.
Theo thống kê tại Thái Bình, tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Thống kế trên toàn tỉnh Thái Bình, một số nhà dân, nhà xưởng, cơ quan, trường học bị tốc mái, tình trạng cây cối bị gãy đổ, bật gốc nhiều.
Về hệ thống điện, có khoảng 30 cột điện bị đổ; 11 cột viễn thông bị đổ, gẫy; 17 trạm biến áp bị sự cố. Về sản xuất nông nghiệp, có 28.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30-70%; 27.000 ha bị thiệt hại trên 70%.
Về rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu Hè thu chưa thu hoạch, có 585 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 2.760 bị ảnh hưởng trên 70%. Cây ăn quả có 1.215 ha bị ảnh hưởng từ 30-70%; 170 bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000 ha. Công trình đê điều có sạt lở một số vị trí tuyến kè, bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng.
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đã kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Theo báo Nam Định, tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã báo cáo tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 của tỉnh.
Nhờ quyết liệt thực hiện đồng bộ các biện pháp hữu hiệu từ sớm, từ xa, nên dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 với lượng mưa lớn, cây xanh đổ nhiều; có nhiều nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm phải di dân với số lượng người lớn nhưng Nam Định đã ứng phó, xử lý rất tích cực các hậu quả do bão gây ra, giúp mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra ở mức thấp nhất. Đặc biệt, Nam Định không để xảy ra thiệt hại về người.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Nam Định trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: Dù vậy, với tình hình biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp, khó lường, Nam Định cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, trách nhiệm như đã có trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để có thể thực hiện thắng lợi, hiệu quả các hoạt động ứng phó thiên tai, bão lũ nếu sau này có xảy ra. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần này trong thực hiện mọi nhiệm vụ để giúp tỉnh bứt tốc, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Tỉnh sớm liên hệ với Bộ Tài chính để được nhận hỗ trợ một phần các thiệt hại như tinh thần chỉ đạo của Trung ương; còn lại tỉnh phải chủ động bố trí ngân sách địa phương chi sớm và làm tốt công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra.
Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu vực nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm phải tổ chức di dân; về lâu dài tỉnh cần có giải pháp tổng thể, cân nhắc triển khai sớm các dự án xây dựng nhà ở xã hội để không phải tiếp tục di dân khi xảy ra bão lụt.
Sau buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình và lãnh đạo các bộ, ngành đã kiểm tra thực địa một số công trình, dự án trọng điểm và nắm tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định.