Phố cổ Hội An rộn ràng hội nghề

TPO - Đầu xuân mới, các làng nghề truyền thống tại phố cổ Hội An rộn ràng hội nghề tri ân công đức các bật tiền nhân, tổ nghề; cầu cho mùa màng bội thu, xóm làng bình an, thịnh đạt.
Hội làng Mộc Kim Bồng.

Hình thành vào thế kỷ XVI, làng Mộc Kim Bồng là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân tài hoa, góp công xây dựng nên những công trình kiến trúc gỗ tuyệt đẹp tại Hội An cùng các cung điện, lăng tẩm, đền miếu ở kinh đô Huế và trên cả nước.

Lễ tế Tổ nghề Mộc tại đình Tiền Hiền.

Lễ tế Tổ năm nay diễn ra vào mồng 6 tháng giêng năm Bính Thân (nhằm ngày 13/2/2016). Sau khi các bô lão tế âm linh, cúng giỗ tổ và phát mộc đầu năm tại đình Tiền hiền - thôn Trung Châu, hàng chục cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, tàu thuyền, xây dựng,… tổ chức cúng giỗ tổ và phát mộc tại gia đình rồi tham gia phần hội tại trung tâm làng nghề với nhiều hoạt động trình diễn nghề chạm trổ, dệt chiếu, đan thúng chai, đan rổ...

   

Hội chợ ẩm thực quê truyền thống với nhiều món ăn dân dã mang đậm bản sắc quê hương cũng thu hút đông đảo người dân và du khách với các món mỳ Quảng, cao lầu, bánh xèo, bánh bèo, và các trò chơi dân gian. 

Trong đó, món khoai lang nướng, khoai lang luộc đặc sản của vùng quê nghèo cũng thơm ngon với câu ca: “Kim Bồng là Kim Bồng còi/ Khoai lang mắm mạy mà coi như vàng”.

Khoai lang luộc, đặc sản Kim Bồng.
Chế tác sản phẩm lưu niệm đầu năm.

Đặc biệt năm nay, sau hàng chục năm, người làng nghề mới thấy lại hình thức cưa Đợi (xẻ gỗ cỡ lớn) đã thất truyền sau khi đưa phương tiện hiện đại vào sản xuất.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng, người phục dựng cưa Đợi cho biết: “Sự cần cù và sức sáng tạo của tiền nhân đã thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên, họ đã dày công chế tác các loại tàu thuyền, trong đó có ghe bầu cùng nhiều sản phẩm nghệ thuật độc đáo, riêng có của làng, góp phần tạo dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng phục vụ du lịch”.

Phục dụng cưa Đợi nghề Mộc.

Còn tại làng rau truyền thống Trà Quế, xã Cẩm Hà, hơn 300 hộ sản xuất rau đã dâng lễ cầu mùa trong lễ hội cầu Bông đầu năm (Mồng 7 tháng Giêng) với hoa quả, gà ngậm hoa cùng đĩa xôi đỏ cắm cành hoa tươi. Vựa rau sạch này chỉ 18ha nhưng năng suất cả năm đạt đến 30 tấn/ha, tổng sản lượng 540 tấn, trị giá hơn 10 tỷ đồng

 Dâng lễ vật Cầu Bông.
Cả người nước ngoài định cư tại làng cũng tham gia dâng lễ.
Lễ cầu mùa.

Rau chuyên canh Trà Quế có thị trường rộng lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các siêu thị tại Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam với doanh thu bình quân hơn 4 tỷ đồng/năm. 

Đặc biệt, đã có hơn 20 nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan làng rau mỗi năm cùng tour du lịch “Một ngày làm nông dân Trà Quế”. 

Tháng 5 năm ngoái, làng rau Trà Quế được Nhật báo Le Figaro của Pháp đưa vào danh sách 10 điểm không thể bỏ qua khi đến Việt Nam.

Đông đảo du khách háo hức với lễ Cầu Bông.

Ngay trong lễ Cầu Bông năm Bính Thân, làng rau Trà Quế được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là “Làng rau truyền thống”.