Phó Chủ tịch nước phát động 'Tết trồng cây' tại khu di tích Đền Hùng

TPO - Ngày 30/1 (mùng 6 Tết Canh Tý), Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ).
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Phú Thọ tham gia trồng cây tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Sáng 30/1, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Canh Tý năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, Xuân Canh Tý 2020 là tròn 60 năm kể từ ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây năm 1960. Theo Phó Chủ tịch nước, do tác động của biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam được dự báo là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng ấm lên toàn cầu, việc trồng cây bảo vệ môi trường, cảnh quan càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Phó Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể người dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Mọi người trồng cây, mọi nhà trồng cây, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ; trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn đất…phù hợp với điều kiện của từng nơi, từng vùng. Làm tốt điều này, chính là hành động cụ thể thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, những năm qua, nhân dân cả nước ta đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả to lớn.  Đến nay, lâm nghiệp đã từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, khôi phục môi trường xanh, sạch, đẹp. Thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước bền vững hơn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh kêu gọi toàn dân tích cực trồng cây, trồng rừng

Thứ trưởng Tuấn cho rằng, các địa phương, đơn vị có kế hoạch hành động thiết thực, trồng cây, trồng rừng trên địa bàn ngay từ những ngày đầu năm 2020, phấn đấu thực hiện hoàn thành kế hoạch của “Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng.

Các địa phương, đơn vị cũng cần tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, sử dụng giống tốt; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về hiện trường, vật tư, nhân lực, kinh phí; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng thâm canh gỗ lớn; chú trọng phát triển cây đặc sản, dược liệu dưới tán và tiếp tục phát triển kinh doanh dịch vụ phi lâm sản.

Cùng đó, phân công trách nhiệm cụ thể về quản lý bảo vệ và chăm sóc cây trồng đảm bảo cây trồng, rừng trồng phát triển tốt; chủ động phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.