Sáng 14/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Liên quan đến những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, quy định về sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án 1, sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng. Theo phương án này, phim được coi là tác phẩm nghệ thuật sáng tạo, sản xuất phim mang đặc thù riêng, không thể chia cắt đứt đoạn, không thể đấu thầu kịch bản.
“Trình tự, thủ tục theo cơ chế đấu thầu qua nhiều khâu, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, chất lượng phim. Bên cạnh đó, quan hệ giữa tác giả kịch bản, đạo diễn, nhà sản xuất khó có được thoả thuận để thực hiện hình thức đấu thầu nhằm lựa chọn nhà sản xuất khác, không sở hữu kịch bản, để thực hiện bộ phim”, ông Hùng lý giải.
Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, phương án này hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.
“Nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ phát triển rất mạnh, kết hợp cả vấn đề du lịch. Chúng ta có phim King Kong, “tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…những nơi đó đã trở thành điểm thu hút khách du lịch rất nổi tiếng. Vì vậy, yêu cầu sửa đổi phải toàn diện, nhìn nhận điện ảnh không chỉ dưới góc độ văn hoá nghệ thuận mà là một sản phẩm có tính văn hoá cao như một ngành công nghiệp, nên phải có chính sách phát triển nó như một ngành kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.
Còn phương án 2 là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. phương án này giữ nguyên quy định của Luật hiện hành. Đấu thầu sản xuất phim thực hiện theo Luật Đấu và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ khi Luật Điện ảnh ra đời, chưa thể thực hiện việc đấu thầu sản xuất phim do gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Hùng, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất với phương án 1.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban lựa chọn phương án 2 và cho rằng, thực hiện hình thức đấu thầu nhằm tạo sự bình đẳng giữa các đơn vị, phù hợp với Luật Đấu thầu. Cũng có ý kiến đề nghị không thực hiện hình thức đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian.
Kết hợp tiền kiểm, hậu kiểm
Bên cạnh đó, vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng cũng được dự thảo Luật đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đó.
Theo phương án này, nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và phân loại phim để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ VHTT&DL phối hợp với Bộ TT&TT kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
“Đây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới”, ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng, phương án này lại tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.
Còn phương án 2, dự thảo Luật quy định: Chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ VHTT&DL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng. Đối với phim chưa được cấp phép phải được phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng.
“Việc thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng trước khi phổ biến sẽ bảo đảm kiểm soát nội dung phim và công bằng với phổ biến phim tại rạp và trên truyền hình”, ông Hùng cho hay. Tuy nhiên, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Theo Bộ trưởng, đa số thành viên Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất phương án 1.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, phương án 1 là hậu kiểm và phương án 2 là tiền kiểm. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề xuất phương án 3: kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước.
Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh: Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị cân nhắc quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như Dự thảo Luật vì chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước: nội dung chi của Quỹ trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước; chưa đủ căn cứ, chưa đưa ra giải pháp về khả năng tài chính độc lập. Thực tế thời gian qua, khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ đã được lập theo các luật chuyên ngành.