Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ đối thoại an ninh với nhiều đối tác, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) tại Myanmar trong tháng 8, và các tranh chấp biển ngày càng leo thang ở châu Á dự kiến là vấn đề chính được thảo luận.
“Chúng tôi đã đề ra kế hoạch để đưa ra trước hội nghị, trong đó có việc dừng mọi hoạt động trên các vùng biển tranh chấp, và đây sẽ là bước đi gấp gáp cho các vấn đề ngày càng trầm trọng ở biển Đông”, báo Philippines Philstar dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu sau cuộc gặp với bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU.
“Cách thức đó rất xây dựng, rất tích cực và toàn diện. Sẽ không ai cãi nhau về quyền dừng các hoạt động làm trầm trọng tình hình và cuối cùng là để quản lý căng thẳng”, ông Rosario nói.
Ngoại trưởng Philippines cho biết, hai yếu tố còn lại trong “kế hoạch 3 hành động” là thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông cũng như Quy tắc ứng xử trên biển Đông và sử dụng phương pháp trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Trong chuyến thăm 2 ngày tới Manila nhằm thúc đẩy thương mại, viện trợ và quan hệ an ninh, bà Ashton kêu gọi các bên kiềm chế dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp. Bà Ashton cũng phản đối việc đơn phương dùng vũ lực, cưỡng ép để khẳng định tuyên bố chủ quyền, Philstar đưa tin.
Ông Rosario nói rằng, Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông khi hạ đặt giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi tháng 5 và đến giữa tháng 7 mới đưa về nước. Theo Ngoại trưởng Philippines, Trung Quốc đang cải tạo ít nhất 3 bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa.
Các nước châu Á phải làm gương cho nhau
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á, ông Daniel Russel, cho rằng, các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần xây dựng “thói quen” hợp tác và xây dựng các thể chế đủ mạnh để giải quyết các tranh chấp biển nguy hiểm.
Theo ông Russel, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc cần gây ảnh hưởng lẫn nhau để có bước đi cụ thể nhằm giải quyết tranh chấp biển. “Chính các nước liên quan phải quản lý và giải quyết tranh chấp. Họ phải tạo ra áp lực ngang nhau, phải tự giữ mình ở chuẩn mực cao và phải làm gương cho nhau”, Reuters dẫn lời ông Russel phát biểu tại diễn đàn công vụ của Câu lạc bộ Thịnh vượng chung tại Mỹ hôm 29/7.
Mỹ luôn thúc giục các nước liên quan ở biển Đông ngồi xuống để xác định và tự nguyện dừng ngay các hoạt động có vấn đề ở những biển tranh chấp để không làm ảnh hưởng đến tuyên bố chủ quyền của nước khác. “Chúng tôi thúc giục Trung Quốc và các nước liên quan thảo luận với nhau để xác định những hành động nào là có thể chấp nhận được đối với họ, nhằm giảm nhiệt căng thẳng hiện nay và quản lý khác biệt trong dài hạn”, ông Russel nói.
Mỹ cho rằng “các cường quốc gánh trách nhiệm đặc biệt trong việc thể hiện kiềm chế”, ông Russel nói. “Nhiều căng thẳng bùng phát trong vài năm gần đây. Cách hành xử đơn phương và hung hăng của Trung Quốc gây ra nhiều quan ngại nghiêm trọng về những tuyên bố mở rộng lãnh thổ của nước này, cũng như việc liệu họ có sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn và luật quốc tế”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Ông Russel nhắc lại quan điểm Mỹ ủng hộ Philippines đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. “Nhưng thay vì tham gia một cách xây dựng và biện hộ cho lý lẽ của mình trước Tòa án trọng tài, Trung Quốc lại gây sức ép để Philippines từ bỏ vụ kiện, cũng như tìm cách cô lập Philippines về ngoại giao”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói. Ông khẳng định: “Luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh quốc gia là nền tảng để theo đuổi các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông”.
Ông Russel cho biết, nền kinh tế năng động và vị trí quan trọng chiến lược của Đông Nam Á biến khu vực này trở thành trọng tâm đặc biệt trong chính sách của chính quyền Mỹ - “chính sách tái cân bằng trong tái cân bằng”. Ông khẳng định, chìa khóa cho sự phát triển của Đông Nam Á là phải giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền biển đảo.