> Kỳ 1: Thủy lợi thành thủy hại!?
Hiểm họa chưa dứt
Ở nước ta, với lợi thế là nguồn năng lượng giá rẻ, có khả năng tái tạo, thủy điện được ưu tiên trong các quy hoạch năng lượng. Hiện các nhà máy thủy điện lớn nhỏ ở Việt Nam đóng góp gần 50% công suất và 44% sản lượng điện phục vụ gần 90 triệu dân.
Tuy nhiên, sự lỏng lẻo trong cơ chế quản lý khi cho phép phát triển ồ ạt các dự án thủy điện mà thiếu sự kiểm soát gây ra nhiều hệ lụy về môi trường sinh thái, an toàn khắp các vùng miền.
Ngày 28/9/2013, phiên thảo luận của Ủy ban Khoa học- Công nghệ & Môi trường Quốc hội, nhiều đại biểu yêu cầu làm rõ chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ, thẩm định dự án, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, di dời, tái định cư... Trái với mục tiêu xây dựng ban đầu là cân bằng nguồn nước, điều tiết cắt lũ, nhiều công trình khi đưa vào sử dụng lại gây thêm hạn hán, lũ lụt, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Vụ vỡ đường ống dẫn nước của dự án thủy điện Đạm Bol cuốn trôi nương rẫy, 3 căn nhà và 2 mạng người xảy ra ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng từ ngày 14/6/2011 tới nay vẫn chưa nguội tính thời sự.
Thủy điện Đạm Bol cách thành phố Đà Lạt khoảng 160km, 3 tổ máy tổng công suất 9,6MW phát điện bằng nước suối Đạ Tẻ thượng nguồn sông Đồng Nai, chưa khánh thành đã vỡ. Cán bộ nắm rõ hồ sơ công trình nhận định: Nếu chủ đầu tư làm đúng thiết kế được phê duyệt đã không xảy ra chuyện.
Là kỹ sư thủy lợi, chỉ vì tiết kiệm chi phí quá đáng, Giám đốc Đinh Văn Tưng đã tự ý thay cả 3,5 km đường ống bê tông dẫn nước theo thiết kế đã được duyệt, bằng cách dùng tấm nhựa cuốn kèn thành ống lớn đường kính hơn 1m, dán mép bằng keo theo công nghệ rẻ tiền của Trung Quốc, một đầu nối thẳng vào ống áp lực, thân chôn lấp để cố định vị trí.
Áp lực nước va vào thành ống nhanh chóng tạo ra nhiều kẽ hở gây rò rỉ, trôi dần lớp đất đỡ bên dưới khiến đường ống gãy gập như bom nước phát nổ. Vụ việc sau đó được dàn xếp, không khởi tố điều tra để làm rõ nguyên nhân và nghiêm khắc xử lý.
Điều đáng báo động, là sau nhiều lượt liên ngành liên cấp vào cuộc kiểm tra an toàn, Đạm Bol vẫn được tiếp tục hoạt động mà chỉ cần sửa lỗi kỹ thuật rất tạm bợ: Thay đoạn ống vỡ bằng 1,2 km ống bê tông, giảm công suất vận hành, phần còn lại vẫn dẫn nước bằng ống nhựa dán keo như trước. Một chuyên gia thủy điện khẳng định với kiểu “khắc phục hậu quả” quá tạm bợ này, chẳng có gì bảo đảm Đạm Bol sẽ không tiếp tục xảy ra sự cố.
Vụ vỡ đập thủy điện nữa là Ia Krel 2 công suất 6 MW ở tỉnh Gia Lai ngày 12/6/2013. Khi đập vỡ, hiện trường phơi bày, các chuyên gia tới nơi chứng kiến, đọc kỹ hồ sơ, mới ngỡ ngàng không hiểu sao vị giáo sư tiến sĩ chủ nhiệm công trình lại vẽ ra một cái cống to đùng đường kính 4x4m, dài khoảng 100m, sau đó bút phê bảo đơn vị thi công làm theo những con số tùy tiện gạch sửa một cách ngẫu hứng ngay trên hồ sơ.
Cái cống vô dụng ngốn hết 2 tỷ đồng chỉ để dẫn dòng thi công xong thì bịt kín 2 đầu, chôn luôn vô thân đập. Sức ép của nước đã nén vỡ ngay cái cống mỏng manh, cuốn trôi cả đoạn thân đập cùng bao nhiêu tài sản của dân chúng xuống hạ du.
Lỗ hổng quản lý
Nhiều quy định về an toàn hồ đập đã được ban hành, có hiệu lực từ lâu, buộc mọi tập thể cá nhân có trách nhiệm phải nắm rõ, như Luật Tài Nguyên nước, Nghị định 72 về Quản lý an toàn đập, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Pháp lệnh phòng chống lụt bão, các Thông tư hướng dẫn v.v…Hầu hết các vụ vỡ đập, vỡ tường chắn, đê bao đều có nguyên nhân về việc không chấp hành nghiêm các quy định này. Thế nhưng chưa có vụ nào được mổ xẻ nguyên nhân thấu đáo, nghiêm túc để thực sự thay đổi và xử lý tới nơi, tới chốn.
Vụ xả lũ khẩn cấp ở hồ thủy lợi Ea Đrăng- Đắk Lắk gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng sau mấy cuộc họp rút kinh nghiệm, tới nay công trình vẫn được tiếp tục giao cho 2 bảo vệ cũ trông coi, lý do rất đơn giản: Lãnh đạo huyện bảo không tìm ra người có bằng trung cấp thủy lợi để giao quản lý hồ!?
Ngày 3/10, trong Hội thảo “Phát triển thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” tổ chức tại TP Hội An, ông Đặng Phong, nguyên Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My-Quảng Nam, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 với nhiều sự cố về mất an toàn đập và tái định cư đã nói thẳng: “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của các công trình thủy điện là không đáng tin”.
Cả nước hiện đang có xấp xỉ 7.000 hồ chứa, trong đó những hồ chứa lớn thuộc quyền điều hành của liên bộ như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng hoặc chịu sự điều hành của địa phương.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú từng hoang mang: “Về quản lý an toàn đập thủy điện, đến nay vẫn chưa phân định rõ đâu là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Công Thương, hay UBND các tỉnh, thành trong việc phê duyệt phương án phòng chống lụt bão”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hoàng Công Lự khi báo cáo về sự cố vỡ đập Ia Krel 2 cũng băn khoăn: Sự cố này khiến các ngành rất lúng túng, do bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng nên không rõ trách nhiệm ở Công Thương hay Xây dựng?
Theo các chuyên gia, toàn bộ trình tự quản lý, phê duyệt, xây dựng, vận hành, từ hồ đập nhỏ tới hồ đập lớn do tập đoàn hay nhà nước quản lý đến nay vẫn chưa chặt chẽ. Khi nào các lỗ hổng này còn chưa được trám kín, mối nguy hồ đập tiếp tục là những “quả bom nước” dọa nổ trên đầu dân.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ về an toàn hồ chứa ngày 29/8, đại diện Bộ Xây dựng, khẳng định, các công trình thủy điện có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 30MW còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do một số chủ đập chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập. Tổng cộng có 144/166 đập đến hoặc quá kỳ hạn kiểm tra an toàn đập nhưng hiện chưa tới 1/3 tổng số thực hiện xong và chỉ 36 đập có phương án bảo vệ đập được phê duyệt.