Phi công người Anh

TP - Hôm nay, đã tròn 88 ngày chiến đấu vượt thoát cái chết của phi công người Anh, người chỉ được biết đến với nickname “bệnh nhân 91”. Cũng chính là cuộc chiến đấu cực kỳ cam go và kỳ diệu của các y bác sĩ Việt Nam trước thứ virus Vũ Hán-Corona kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại.

Rất nhiều ngày, mà nếu xuất hiện một dòng tin trên báo, rằng bệnh nhân 91 “đã tử vong”, ngoài việc gợi lên một chút buồn, thì cũng chẳng khiến ai ngạc nhiên. Cái chết, suốt những ngày qua đã như là một mặc định với bệnh nhân này. Bởi y học của chúng ta có lẽ chưa từng thấy một ca bệnh nào hiểm nghèo đến vậy. Trong đó nhiều thứ vượt ra khỏi y văn thế giới, như nhận định của giới chuyên môn. 

Nhưng điều kỳ diệu đã đến. Từ vô thức sâu thẳm mịt mùng, nay ý thức, nhận thức và sự vận động đã trở lại với viên phi công 43 tuổi. Cơ chế vận hành cơ thể phục hồi đến mức khó tin. Tất nhiên trước mắt vẫn cần một thời gian dài điều trị để bệnh nhân 91 có thể phục hồi hoàn toàn.

Đâu đó đã có những tranh cãi xảy ra xung quanh ca bệnh đặc biệt này. Rằng nếu thế này, giả sử thế nọ… Nhưng tôi nghĩ, là một người bình thường, không nên bận tâm vào những suy nghĩ như vậy.

Đừng suy diễn chuyện “lập kỷ lục”, này nọ cho đất nước hay chế độ. Đừng vặn hỏi rằng mỗi người dân liệu cũng đều được đặc biệt quan tâm cứu chữa như vậy? Mà hãy nghĩ đơn giản hơn, về lòng kiên trì, sự kiên tâm cứu người. Về kỷ lục và kỳ công mà y học có thể can thiệp với cơ thể con người. Khi tim, phổi của bệnh nhân phải dùng thiết bị "nhân tạo" suốt hơn 50 ngày liên tục. Là sự vững tin với sức sống con người, là niềm vui trước chiến thắng của một số phận. Phải vậy không?

Có những ngày nước Mỹ hàng ngàn người chết vì dịch Covid trong âm thầm, vô danh, nhưng tại sao chỉ một cái chết mang tên George Floyd lại khiến cả nước Mỹ và thế giới rung chuyển? Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng giá trị và thân phận mỗi con người thì không khác gì nhau.

Đai dịch Covid-19 tính đến thời điểm này đã có gần 7,6 triệu người mắc, khoảng 424.000 người tử vong. Tốc độ hủy diệt của thứ virus quái đản này chậm dần, nhưng chưa dừng lại, nhiều nơi trên thế giới vẫn đang trong tình trạng bị phong tỏa hoặc phải phong tỏa trở lại. Hầu hết các đường bay còn đóng cửa. Vắc xin điều trị chưa có. Rập rình những “làn sóng” hủy diệt mới…

Thế giới đã và chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi sau thảm kịch này. Nhưng có vẻ loài người vẫn chưa “hiền” đi là mấy. Vẫn những tham vọng giành lại những gì đã mất bằng mọi giá. Vẫn tranh chấp, xung đột gay gắt trên từng “mặt trận”. Tên lửa bắn thử vẫn liên tục bay lượn trên bầu trời. Vẫn biểu tình, đập phá. Vẫn ngang ngược và dã man đâm tan nát những tàu cá ngư dân trên vùng biển không phải của mình,…

Từ câu chuyện bệnh nhân 91, thấy con người cần phải tập bền bỉ hơn với chính lòng tốt của mình.