Cụ thể, huyện Mường Lát đã, đang được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; Xóa đói, giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), đặc biệt là Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất của người dân, Nghị quyết số 11 đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phân chia 8 xã, thị trấn của huyện Mường Lát thành 4 khu vực để định hướng phát triển kinh tế. Cụ thể như, khu vực tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu vực chú trọng phát triển vùng trồng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; khu vực tập trung phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách 16 chương trình tín dụng ưu đãi theo quy định. Chủ động khảo sát nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để đáp ứng nhu cầu vay phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã hình thành nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả tốt trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, như: mô hình trồng sắn cao sản, chăn nuôi bò thịt của thanh niên Vi Văn Đợi, ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát; mô hình nuôi con đặc sản vùng cao của thanh niên Lò Thị Quyến, ở khu 2, thị trấn Mường Lát...
Ông Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con để phát triển một số loại cây trồng chủ lực như: lát, trẩu, thông, đào, mận, chuối, măng tre bát độ... Bên cạnh đó, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tận dụng nguồn vốn ưu đãi để người dân phát triển, nhân rộng các mô hình chăn nuôi, các loại vật nuôi mang tính hàng hóa, giá trị cao...