Sáng nay, 31/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, chiều qua, 30/1, trung tâm này đã tiếp nhận một bệnh nhân quê quán xã Phú Châu (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) có biểu hiện đau đầu, chảy nước mũi, không ho, không sốt.
Đặc biệt, khai thác bệnh sử, bệnh nhân này cho biết vừa trở về từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 26.1.
Sau khi tiếp nhận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình đã khám, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn cách ly sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Thái Bình giám sát, kiểm tra các bệnh nhân có biểu hiện bệnh liên quan đến đường hô hấp để phát hiện dịch - - Ảnh: Hoàng Long
Ông Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, ngay sau đó, trung tâm đã rà soát tất cả những trường hợp tiếp xúc với người bệnh và tiến hành theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe, hướng dẫn phòng bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng.
Tại Thái Bình, đây là trường hợp bệnh nhân thứ 2 nhập viện sau khi trở về từ Vũ Hán. Trước đó, ngày 23.1, BVĐK Phụ Dực tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ (27 tuổi, trú tại xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ) vừa trở về từ vùng dịch Vũ Hán có biểu hiện ho cơn, đau nhức xương khớp, không sốt, đã được chuyển lên bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từ ngày 23.1 với chẩn đoán "theo dõi viêm phổi do virus corona".
Đến ngày 30.1, kết quả xét nghiệm nữ bệnh nhân âm tính với nCoV, hiện đã đưa ra khỏi phòng cách ly, sức khỏe ổn định, dự kiến sẽ được xuất viện trong thời gian tới.
Trước đó, Bệnh viện đakhoa Phụ Dực cũng phát hiện một bệnh nhân vừa từ Vũ Hán trở về - Ảnh: Hoàng Long
Thông tin thêm về bệnh nhân này, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình, ông Phạm Văn Dịu cho biết: "Bệnh nhân điều trị dứt sốt tại Vũ Hán nhưng khi về Việt Nam thì bị sốt trở lại. Sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị liên quan cách ly bệnh nhân, phun thuốc khử trùng tại Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực và gia đình, chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục cách ly, theo dõi. Người thân trong gia đình bệnh nhân cũng đã được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tuy nhiên rất may chưa phát hiện biểu hiện của dịch".
Ngay sau khi có trường hợp bệnh nhân thứ 2 trở về từ Vũ Hán được cách ly kiểm tra và điều trị, chiều tối qua (30-1), UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp khẩn với các địa phương, các ban, ngành, các bệnh viện để triển khai ngay phương án ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Chiều tối 31/1, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức cuộc họp khẩn đối phó với nguy cơ dịch - Ảnh: Hoàng Long
Cùng với báo cáo về tình trạng của 2 bệnh nhân từ Vũ Hán trở về, đại diện Sở Y tế Thái Bình cho biết hiện tỉnh này đang gặp rất nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh do chưa có máy kiểm tra thân nhiệt; không nắm bắt được rõ số người Trung Quốc về quê ăn Tết và trở lại tỉnh lao động, làm việc; khan hiếm khẩu trang chuyên dụng; thiếu máy thở…
Tại buổi họp khẩn này, ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị cấp tỉnh, cấp huyện thành lập ngay đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh; các bệnh viện thiết lập các đội cấp cứu lưu động. Đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tập trung phát các thông tin về tình hình dịch, phương án phòng chống trên hệ thống loa truyền thanh thôn, xóm, xã, phường.
Ngay trong tuần sau, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế khẩn trương mua ngay khoảng 10 nghìn khẩu trang bốn lớp; mua 10 máy đo thân nhiệt; trang bị thêm máy thở cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trưng dụng Bệnh viện Phổi trở thành bệnh viện dã chiến với 400 giường bệnh khi dịch xảy ra.
Tỉnh Thái Bình cũng đề nghị các địa phương gửi công văn đến các doanh nghiệp có người Trung Quốc đang làm việc báo cáo tình hình di biến động của họ khi trở về nước cũng như quay lại địa phương để ngành y tế tiến hành theo dõi, kiểm tra sức khỏe khi có nghi vấn của dịch bệnh.
Ông Thăng cũng cho biết, cùng với tổ chức họp khẩn, UBND tỉnh Thái Bình đã gửi văn bản hỏa tốc số đến các địa phương trên địa bàn. Theo đó, xây dựng chi tiết ba tình huống khi dịch xảy ra với những hướng dẫn cụ thể về công tác điều trị, công tác hậu cần, công tác giám sát dự phòng, công tác truyền thông.