'Pháp sư vĩ đại Dumbledore' của Lương Thế Vinh

Hình ảnh thầy hiệu trưởng Văn Như Cương râu tóc bạc trắng, bước thong rong trong sân trường khiến nhiều người nghĩ đến thầy Dumbledore trong bộ truyện nổi tiếng Harry Porter.
Rất nhiều nét tương đồng giữa thầy Văn Như Cương và nhân vật huyền thoại pháp sư vĩ đại Dumbledore

Bao dung, nhân hậu, gần gũi, dí dỏm và luôn tận tâm với học trò, đau đáu vì sự nghiệp giáo dục con người… là một trong những điểm chung thú vị của thầy Văn Như Cương vàcụ Dumbledore.

Vị hiệu trưởng râu tóc bạc phơ

Thầy Albus Dumbledore là một nhân vật tưởng tượng trong bộ truyện nổi tiếng Harry Porter của nữ nhà văn J.K Rowling. Nếu thầy Dumbledore giữ vai trò là hiệu trưởng của trường Phù thủy và Pháp sư Hogwarts và là một trong những phù thủy vĩ đại nhất thì PGS.TS Văn Như Cương ngoài đời thực là người sáng lập, là một người hiệu trưởng đáng kính nhất của trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh Hà Nội.

Về ngoại hình, hai thầy đều khiến học trò ấn tượng với dáng người gầy, chòm râu dài bạc phơ, luôn đeo cặp kính lộ đôi mắt sáng, tinh anh, nhân hậu… Nếu ai là ‘fan' của cụ Dumbledore đáng kính thì có thể dễ nhận ra bước đi khoan thai nhưng rất nhanh và đặc biệt hay cười tủm tỉm… , đó cũng là điểm thường thấy ở thầy Cương.

Tình yêu trọn đời với sự nghiệp trồng người

Đặc biệt khi nói về tình yêu với trò và sự nghiệp giáo dục thì càng thấy sự tương đồng của hai người thầy đáng kính. PGS Văn Như Cương đã dành trọn cả đời mình cho học trò, giáo dục, cho ngôi trường Lương Thế Vinh. Nói về niềm tin và sự ngưỡng mộ của các thế hệ thầy cô, học trò dành cho thầy thực sự là vô bờ bến.

Họ đều có cách giáo dục sáng suốt và được tin yêu

Giống như ai đã từng tiếp xúc với thầy Dumbledore trong Harry Porter thì đều không thể không đặt niềm tin. Người thầy vĩ đại trong thế giới phù thủy không chỉ được học trò yêu mến mà còn khiến cả thế giới phù thủy nể trọng vì tài năng cũng như khối kiến thức khổng lồ mà thầy có. Đặc biệt, cả thầy Văn Như Cương và cụ Dumbledore đều có tư tưởng quản lý tâm lý, hiểu học trò và chấp nhận những sai sót của học trò, nhất là luôn bình tĩnh trong bất kỳ hoàn cảnh ‘nước sôi lửa bỏng'.

Thầy Văn Như Cương từng nói: 'Nhiều người nói giới trẻ ngày nay đang biến chất và quay lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc, theo tôi thì không phải vậy. Không thể bắt các em xem cải lương, dân ca tuồng chèo hàng ngày. Những giá trị đó ai cũng biết, cũng hiểu, cũng tôn trọng nhưng nó không hợp với bọn trẻ.'

Coi học trò như con cháu vô cùng gần gũi

Với học trò, dù đều là những người đứng đầu một trường cao quý, nhưng họ sẵn sàng nhận lỗi nếu như có sai. Kể cả chưa biết ai sai thì thầy cũng sẽ nhận một lỗi về mình trước. Thầy Cương luôn răn dạy học trò sống theo lẽ phải nhưng cũng có lúc thầy trót làm sai.

Thầy Văn Như Cương được học trò quý mến không chỉ bởi tài năng mà còn là sự thân thiện, đôn hậu của thầy

Có một câu chuyện như thế này, năm 2013, thầy Cương bị học trò nhìn thấy ông đang kẹp ba đi xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm. Cô học trò này viết thư cho thầy. Bức thư có nội dung như sau: ‘Hôm trước, em qua nhà sách Đông - Tây dự hội sách, đến chiều em thấy thầy và bác Đoàn Tử Huyến kẹp ba đi về phía đường Trần Quý Kiên mà không đội mũ bảo hiểm. Em thấy việc đó rất nguy hiểm và phạm luật giao thông. Thầy tuổi đã cao, kính mong thầy cẩn trọng. Em kính chúc thầy sức khỏe và thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người'.

Nhận thư, thầy Cương thật sự bất ngờ và cảm động. Thầy viết thư trả lời ngay ‘Cám ơn em đã có lời nhận xét và phê bình…Thầy có lỗi!'.

Thầy cũng luôn tôn trọng học trò, công bằng, không bao giờ thiên vị nhưng luôn nhẹ nhàng, bao dung với lỗi của trò. Đặc biệt, tiếng nói của thầy có trọng lượng vô cùng.

Hai hình ảnh khiến nhiều người cảm thấy có quá nhiều điểm giống nhau giữa hai người thầy này

Hoàng Ngọc Giang (cựu học sinh khoá 2007 - 2011) kể: ‘Thầy nhìn thấy học sinh vi phạm đồng phục đều không bắt phạt hay mắng mỏ gì mà nhắc nhở rất nhẹ nhàng. Có hôm mình bị phạt đứng ngoài lớp, thầy còn đến hỏi tại sao rồi nói chuyện với giáo viên xin cho mình vào. Thầy cực kì hóm hỉnh và thân thiện với học sinh, nếu như chào các giáo viên khác các thầy cô chỉ gật đầu rồi đi, còn thầy thì sẽ quay lại vẫy tay cười tươi chào lại, thậm chí còn đến gần hỏi các em đang làm gì rồi chơi cùng học sinh. Nói chung là thầy hiền hậu, đúng mực, thân thiện và hóm hỉnh lắm!'.

Phạm Việt Phương Linh (CHS Lương Thế Vinh, 1997 – 2005) không thể quên hình ảnh thầy giáo già hay đi lang thang trong sân trường trong những giờ giải lao. ‘Mỗi lần gặp học trò đang ngồi chơi, thầy lại gần và thường kể chuyện hoặc đố vui về toán, ngôn ngữ. Có lần mình được thầy đố từ đơn nào dài nhất?... Cách nói chuyện của thầy không hề áp đặt, rất gần gũi thân thiện và luôn khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, cảm giác như người cha già hiền hậu mẫu mực vậy'.

Bài phát biểu được đón chờ mỗi dịp khai giảng năm học mới

Sự tận tâm với học trò còn thể hiện trong những bài phát biểu của các thầy. Trong mỗi dịp khai giảng, lễ tết, bài phát biểu của thầy Cương dường như bao giờ cũng là nội dung được học sinh trường Lương Thế Vinh mong đợi nhất. ‘Từng bài phát biểu của thầy đều rất xúc động bởi chứa đựng những lời răn đầy ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống học trò chúng em'.

Chắc hẳn “fan” của cụ Dumbledore vẫn nhớ bài diễn văn khai giảng của thầy tại đại sảnh đường mỗi đêm khai giảng, khi tất cả học trò vừa trên chuyến tốc hành tới trường, là bài diễn văn được lũ học trò khoái nhất. Mỗi năm thầy sẽ thông báo 1 sự kiện gì rất mới mẻ, trọng đại.

Với đồng nghiệp, thầy Cương là người rất công tư phân minh, nghiêm khắc nhưng cũng rất gần gũi. Thầy không áp đặt suy nghĩ của mình lên các thầy cô, phát huy phong cách dạy dỗ, cá tính của từng thầy cô. Nhưng nếu phạm lỗi, làm sai, thầy “thẳng tay” đưa ra hình phạt.

Trong buổi phỏng vấn trên báo, thầy Cương khẳng khái nói: “Tôi sẵn sàng đuổi giáo viên tát học sinh”. Thầy cũng luôn đặt những câu hỏi để kiểm tra người giáo viên có tình yêu, sự quan tâm tới học sinh hay không trong buổi phỏng vấn trực tiếp trước khi  nhận vào trường.

Những niềm vui nho nhỏ

Thầy Cương là một người thích đánh cờ, thích ‘chơi chữ' và có thú vui nuôi chim. Một điểm tương đồng đó là, thầy Dumbledore và thầy Văn Như Cương đều ở lại trường 24/24 để tiện ‘chăm lo cho học sinh'. Có lần tôi đến thăm thầy, thầy chỉ ra vườn rau, nuôi vài con vật nho nhỏ rồi cười hiền hậu.

Nếu thầy Dumbledore nuôi con phượng hoàng thì thầy Cương từng nuôi chim, con chó ‘Tây'. Ông dí dỏm kể: ‘Tôi từng nuôi lợn để cải thiện cuộc sống vào những năm 1971 sau khi học ở Liên Xô về. Sau mỗi lần xuất chuồng, con lợn kiếm thêm được 70 đồng bằng đúng số tiền lương của một phó tiến sỹ thời đó. Như vậy, trong nhà có hai phó tiến sỹ. Một phó tiến sỹ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn'.

Tấm gương vĩ đại

Thầy Văn Như Cương là tấm gương học tập suốt đời, là nhà giáo đáng kính, khiêm nhường được học trò cả nước yêu mến. Những câu nói của thầy khiến học trò ghi nhớ khắc cốt: ‘Các em vào đại học thầy vui. Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi. Ít em mong muốn vào sư phạm. Ai sẽ thay thầy tuổi bảy mươi?', ‘Ở tuổi 70 của chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ', ‘Biển học là mênh mông, trong đó sách vở tuy quan trọng nhưng cũng chỉ là những vùng biển gần bờ mà thôi'…

‘Tôi nhìn qua ống kính máy ảnh, thấy sao mà thương yêu đến thế cái dáng thầy gầy gò, với bộ râu bạc trắng, hệt như GS Dumbledore trong truyện Harry Potter. Tôi đã vào Lương Thế Vinh là để được làm học trò của thầy, được học trong môi trường học tập mà thầy đã tạo ra. Với tôi, thầy Văn Như Cương là ‘Trường Lương Thế Vinh', và ngược lại cũng đúng' - (Vân Anh – Diệu An (Cựu học sinh Lương Thế Vinh – trích trong bài viết “Thầy Dumbledore” Văn Như Cương và ngôi trường mới” trên website của trường Lương Thế Vinh).

Theo Theo Tiin.vn/Đất Việt