> Tuyên chiến nhưng chưa đánh?
> Đại biểu Quốc hội quyết liệt trước tham nhũng
Không án treo, không ân xá tội phạm tham nhũng
Theo đại biểu (ĐB) Trần Đình Nhã, chưa bao giờ từ tham nhũng xuất hiện với tần suất nhiều như hiện nay. Nghị quyết của Đảng nói tham nhũng đang thách thức sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước.
“Tôi muốn nói thêm là tham nhũng cũng đang thách thức Quốc hội, nguy hiểm hơn là thách thức sự kiên nhẫn, sự chịu đựng của nhân dân”, ông Nhã nhận định. Nhà nước đã tổ chức cả một bộ máy cơ quan tư pháp, điều tra hùng hậu, nhưng năm qua, tòa án các cấp xét xử sơ thẩm 167 vụ, trong đó số hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm khoảng 34%. “Ngay trong kỳ họp này, Quốc hội nên có nghị quyết yêu cầu tòa án không áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với bất kỳ người nào phạm tội tham nhũng và yêu cầu Chủ tịch nước và các cơ quan thi hành án, không tha tù trước thời hạn cho đối tượng phạm tội tham nhũng”, ông Nhã nói.
Theo ông Nhã, tham nhũng đang buộc chúng ta phải tuyên chiến. “Lâu nay nhiều người dùng từ “cuộc chiến” chống tham nhũng, nhưng theo tôi, cuộc chiến chưa xảy ra hoặc nếu đã xảy ra thì cũng chưa quyết liệt lắm”, ông Nhã nói.
Muốn thắng được tham nhũng, ông Nhã đề nghị: “Đã đến lúc phải thay đổi cách đánh và cả người đánh. Về cách đánh, tôi đề nghị phải như đánh tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nghĩa là điều tra, truy tố, xét xử một tên gián điệp, một kẻ nội gián, một kẻ khủng bố như thế nào thì cũng được phép áp dụng biện pháp đó để điều tra kẻ tham nhũng. Phải đánh từ ngoài vào, đánh từ trên xuống, cấp trung ương sẽ đánh tham nhũng ở cấp tỉnh, cấp tỉnh đánh xuống cấp huyện, huyện đánh xuống xã. Để thực hiện cách đánh này, tôi đề nghị tổ chức lại lực lượng chủ công”.
ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề xuất điều tra bí mật đối với tội phạm tham nhũng.
“Nếu thủ tục điều tra như bình thường thì khả năng lộ thông tin, kẻ phạm tội xóa dấu vết, tiêu hủy vật chứng, biến mất sau khi xác nhận hành vi phạm tội như trường hợp Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Vinalines - PV) hoàn toàn có thể tái diễn. Tôi đồng tình việc cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, trao quyền cần đi cùng cơ chế giám sát để tránh lạm dụng”, bà Nga nói.
Cùng với việc lập Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng Chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu, ông Nhã cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Quốc hội quyết định thành lập cơ quan độc lập chuyên trách điều tra tội phạm tham nhũng.
“Việc làm này thuộc thẩm quyền của Quốc hội và xin Quốc hội hãy tỏ rõ thái độ của mình chứ không chỉ bằng lời nói”, ông Nhã đề nghị.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) đồng tình đề xuất khi sửa Luật Phòng chống tham nhũng cho thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập không nằm trong hệ thống hành pháp. Ông Đương cũng đề nghị mô hình thanh tra độc lập, xây dựng chế độ thanh tra nhà nước.
Mới chỉ bắt được “mèo ăn mỡ”
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), chúng ta mới chỉ chống được tham nhũng vặt.
Hầu hết các vụ được phát hiện chỉ là những vụ việc nhũng nhiễu vặt, nhỏ lẻ, còn tội phạm lớn hầu như đều thoát dễ dàng. “Mới chỉ bắt được con mèo ăn miếng mỡ, chứ chưa bắt được con cọp tha con lợn”, ông Thuyền ví von.
ĐB Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, thời gian qua, chúng ta mới chỉ truy tố, xét xử những vụ tham nhũng vặt.
“Rất cay đắng khi có người nhận vài triệu nhưng từ công chức thành tội phạm. Trong khi những vụ tham nhũng lớn do tính chất xảo quyệt, tinh vi nên chưa xử lý được đối tượng cầm đầu, chủ yếu xử lý đối tượng tham gia một số công đoạn. Điều này giải thích tại sao án tham nhũng thường đầu voi đuôi chuột, thất thoát nhiều nhưng không thu hồi được bao nhiêu”, ông Đương nói.
Do vậy, ngành kiểm sát, tòa án cần xem lại những tiêu chí đình chỉ vụ án, miễn trách nhiệm hình sự; tiêu chí cho hưởng án treo theo hướng chặt chẽ hơn.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ đưa ra giải pháp khắc phục một cách mạnh mẽ, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Bà Khá cho biết, ba nhiệm kỳ trước đã gửi chất vấn về việc thu hồi tài sản từ tham nhũng, song đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
“Phải làm cho pháp luật Việt Nam sớm đi vào cuộc sống, đừng để bọn tội phạm nghĩ rằng, có thể hy sinh bản thân mình để gia đình an nhàn nơi đất khách với khối tài sản kếch xù từ phạm tội mà có kiểu Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bà Khá nói.
Mở cuộc vận động từ chức
ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề xuất mở cuộc vận động từ chức. Trước hết là đối với các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh trong các lĩnh vực để xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
“Nếu phấn đấu chức quyền là một việc khó, giữ được chức quyền còn khó hơn, nhưng dám từ bỏ chức vụ thì thực sự là anh hùng, vì có lợi cho dân, cho nước”, ĐB Đương nói.
Nếu không làm được điều này, tới đây cũng nên đưa một số bộ trưởng mà dân đang bức xúc về một số lĩnh vực như ngân hàng, xăng dầu, thủy điện ra bỏ phiếu thăm dò tín nhiệm.
ĐB Đỗ Văn Đương đề nghị năm 2013, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công an tập trung, phối hợp chặt chẽ đột phá vào một số lĩnh vực cử tri bức xúc.
Đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính mà cụ thể là Tổng cục Hải quan thống kê tất cả những vụ tạm nhập xăng dầu nhưng không tái xuất trong năm 2012, thực chất đây là buôn lậu, một tội phạm hình sự.
Sau đó, chuyển cho Bộ Công an để khởi tố, thu hồi toàn bộ số tiền trốn lậu thuế, làm nguồn tăng lương cho cán bộ, công chức nhà nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
Sẽ làm đồng bộ hơn, kiên quyết hơn
Phát biểu trước QH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mặc dù đã có những kết quả rất tích cực nhưng tội phạm tham nhũng rất tinh vi, phức tạp, nhân dân còn kêu ca, oán trách.
Tới đây, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Hạn chế những kẽ hở trong quản lý, nhất là những lĩnh vực nhân dân kêu có tham nhũng lớn là ngân hàng, đất đai, công tác cán bộ...
Chính sách cho người làm công ăn lương cũng cần cải thiện tốt hơn thì mới tránh được tình trạng tiêu cực tràn lan như hiện nay. Ngoài ra, phải quyết liệt, mạnh mẽ, dứt khoát trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng được phát hiện.
Ngọc Tiến
ghi
“Ba liên, ba chạy”
Theo ĐB Nguyễn Thị Khá, tội phạm tham nhũng ngày càng nguy hiểm, khó phát hiện vì nó mang gương mặt ba liên: Liên doanh trong nội bộ, liên thông từ dưới lên trên và đặc biệt là liên kết với nhau chặt chẽ.
Cuối cùng, khi bị phát hiện vi phạm, họ thực hiện ba chạy: chạy án từ có tội thành không tội; chạy tội từ tội lớn thành tội nhỏ, từ hình sự sang hành chính; chạy tù từ tù ngồi sang tù treo.