Chính phủ nhận khuyết điểm về quy hoạch thủy điện
Chiều 21/11 trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng thời gian qua, việc lập quy hoạch, xây dựng, thi công và vận hành thủy điện đã gây ra nhiều hệ lụy cho cuộc sống người dân. Xin Thủ tướng cho biết những giải pháp của Chính phủ nhằm khắc phục nhanh những tồn tại, yếu kém trong lĩnh vực này?
Ảnh: Hồng vĩnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tiềm năng thủy điện là một lợi thế lớn của nước ta cần khai thác, sử dụng để phát triển. Bên cạnh đó, thủy điện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch, lập dự án, thẩm định, thi công, xây dựng; hạn chế trong di dân, tái định cư, những hạn chế yếu kém trong việc bảo đảm môi trường sinh thái...
Về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng nhận định chủ yếu là yếu kém trong quản lý Nhà nước của Chính phủ, chính quyền địa phương. Mà trực tiếp là các cơ quan chức năng của Chính phủ và chính quyền địa phương. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, yếu kém lĩnh vực này.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ có báo cáo tổng thể về tình hình quy hoạch thủy điện và luôn lắng nghe ý kiến tâm huyết của đại biểu. Khi Quốc hội có Nghị quyết về việc này, Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện với tinh thần tiếp tục phát huy hiệu quả thủy điện để đảm bảo phát triển kinh tế; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém mà các vị ĐBQH đã nêu; với tinh thần thủy điện phải đảm bảo yêu cầu về an toàn, kinh tế, xã hội và môi trường.
3 nhóm giải pháp khắc phục yếu kém của thủy điện
Kiểm soát chặt chẽ lọc, hóa dầu
Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) về có hay không “hội chứng” cấp phép xây dựng nhà máy lọc dầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lọc, hóa dầu được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng đã ký ban hành quy hoạch phát triển Nhà máy lọc dầu (NMLD) đến 2020 và định hướng 2025.Hiện nay, chỉ duy nhất có một dự án NMLD do đối tác Thái Lan đang có kế hoạch đầu tư tại khu công nghiệp Nhơn Hội (Bình Định) là nằm ngoài quy hoạch.
Tuy nhiên Thủ tướng đã bước đầu đồng ý để nhà đầu tư xây dựng báo cáo tiền khả thi. “Nếu đảm bảo pháp luật Việt Nam, có lợi cho cả hai bên thì sẽ bổ sung vào quy hoạch lọc hóa dầu của đất nước”, Thủ tướng nói.
Trước yếu kém, hạn chế của hệ thống thủy điện, Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục chỉ đạo 3 nhóm giải pháp sau:
Đối với các dự án, nhà máy thủy điện đang vận hành (260 nhà máy với công suất hơn 14.000 MW), đánh giá lại sự an toàn của hồ đập, cái nào không an toàn thì dừng lại; Rà soát, bổ sung những quy trình vận hành hồ chứa để phù hợp diễn biến thực tế, bao gồm cả mùa mưa lũ và mùa cạn kiệt. Phải công khai cho nhân dân biết quy trình vận hành này chứ không phải đến lúc cần mới thông báo.
Yêu cầu UBND các địa phương tăng cường trách nhiệm được giao, buộc chủ đầu tư thực hiện đúng các quy trình vận hành hồ chứa. Chủ đầu tư nào không chấp hành phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật từ hành chính, kinh tế tới hình sự. “Đây là nhiệm vụ của UBND được Chính phủ giao”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương nghiên cứu chính sách bổ sung với các hộ nghèo ở các vùng tái định cư của các dự án thủy điện. Chính phủ yêu cầu rà soát chính sách để bổ sung cho các dự án thủy điện mới; Rà soát và bổ sung cơ chế yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại diện tích rừng đã mất do làm dự án thủy điện.
Đối với 205 dự án đang khởi công xây dựng với công suất 6.200 MW. Chính phủ chỉ đạo rà soát, đánh giá xem thiết kế kỹ thuật có đảm bảo an toàn không, nếu chưa thì dừng lại chứ không đợi xây dựng xong. Thứ hai, rà soát phương án tái định cư có đúng chính sách pháp luật, có thể bổ sung cụ thể đối với từng dự án để đưa dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn; Phương án trồng lại rừng như thế nào buộc phải thực hiện khi đang xây dựng.
Quy trình vận hành hồ chứa khi thiết kế kỹ thuật đã có nhưng phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm sao để một dự án thủy điện đi vào hoạt động phải đảm bảo 4 mục tiêu: hiệu quả, kinh tế, an toàn, môi trường.
Đối với khoảng 248 dự án nằm trong qui hoạch chưa khởi công sẽ tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Chính phủ sẽ theo hướng quản lý quy hoạch và chấp thuận đầu tư mới với trách nhiệm cao hơn. Theo đó, quy hoạch thủy điện trong cả nước, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quản lý thống nhất trong cả nước, cùng với các địa phương rà soát lại một lần nữa và tổ chức thẩm định. Trước khi phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng cho biết, phải làm hết sức thận trọng, việc chấp thuận khởi công xây dựng thủy điện mới phải chặt chẽ hơn. Dự án thủy điện nhóm B, C phải do Bộ Công thương phê duyệt, lập Hội đồng thẩm định đánh giá đúng tiêu chí đề ra mới cho phép đầu tư. Nếu là dự án nhóm A, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, trình Thủ tướng phê duyệt.
“Còn nếu dự án nào thuộc thẩm quyền Quốc hội thì phải lập rồi trình Quốc hội. Theo chúng tôi rà soát thì chắc không còn dự án nào phải trình Quốc hội vì cái lớn ta làm hết rồi”, Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chưa có báo cáo hồ nào xả lũ sai quy trình
Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng 21/11 về tình hình thủy điện xả lũ vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, khi kiểm tra, các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy. “Trường hợp của thủy điện An Khê- Kanak, tôi không đi kiểm tra trực tiếp, nhưng nghe các đồng chí trên đó báo cáo, thấy rằng thông báo của chủ hồ cho địa phương đều có đầy đủ, nhưng vấn đề này phải kiểm tra lại”- Phó Thủ tướng cho biết.
Về những vấn đề phải rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng, cần rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Để điều tiết chính xác hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ thì số liệu dự báo phải rất chính xác và chỉ được sai số thấp nhất.