Trên mạng xã hội Facebook, đồng loạt tài khoản của người thân, các em học sinh Trường PTTH Lương Thế Vinh đều chuyển sang màu đen như một niềm tiếc thương dành cho người thầy đáng kính.
PGS Văn Như Cương mắc bệnh ung thư gan gần 3 năm nay. Thầy kể, khi mới biết bệnh, bác sĩ nói nếu không chữa chạy kịp thời, các khối u sẽ di căn, không thể sống quá 3 tháng.
Ngày 3/3, khi biết tin thầy nhập viện, học sinh trường THPT Lương Thế Vinh lên ý tưởng thực hiện món quà tinh thần gửi nhà giáo Văn Như Cương là bài hát truyền thống của 4.000 học sinh và hàng nghìn hạc giấy với lời cầu chúc: Mong thầy khỏe mạnh để trở về.
Tình yêu thương của học trò là món quà vô giá, minh chứng cho cả cuộc đời PGS Văn Như Cương hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Sự trăn trở của ông thể hiện trong những câu thơ: "Các em vào đại học thầy vui / Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi / Ít em mong muốn vào sư phạm / Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi".
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh.
Ông là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Năm 1989, ông là người thành lập trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam: Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội. Sau 25 năm làm hiệu trưởng, thầy đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị trường từ năm 2014.
PGS Văn Như Cương là người chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao).
PGS Văn Như Cương đã có nhiều ý kiến đóng góp về giáo dục nước nhà. Những ý kiến thẳng thắn, trực diện của ông về văn hóa, xã hội, giáo dục trên báo chí, Facebook cá nhân có sức ảnh hưởng lớn.
Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Ai cũng vào đại học là lạc hậu", "Trước hết phải là người tử tế"..., "Không có lao động thì không có sáng tạo. Một người lười sáng tạo thì chắc chắn không làm được gì thành công".