Ghi nhận ngày 2/1, trong giờ cao điểm buổi chiều, một số tuyến đường có lưu lượng giao thông khá đông như Giảng Võ, Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn (Hà Đông) song đa số phương tiện không đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) tuyến Kim Mã - Yên Nghĩa.
Một số phương tiện đi vào làn đường ưu tiên được lực lượng thanh tra giao thông ứng trực ở các nút giao nhắc nhở, hướng dẫn. Trong chiều tối ngày 2/1, xảy ra va chạm nhẹ giữa ôtô và xe máy tại làn đường dành cho xe buýt nhanh do hai phương tiện này cùng đi lấn làn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho hay, trong ngày đầu tiên chính thức vận hành (1/1), buýt nhanh đã thực hiện 264 lượt, đạt 100% kế hoạch.
5 nhà chờ đón nhiều khách nhất là: Kim Mã với 1.500 khách, Yên Nghĩa gần 1.100 khách, Hoàng Đạo Thuý và Thành Công hơn 740 khách, Giảng Võ 450 khách.
Giám đốc Trung tâm giao thông đô thị cho rằng, hầu hết hành khách hài lòng, không có ý kiến khách phàn nàn về dịch vụ giao thông công cộng mới này. Tuy nhiên, để đánh giá khách quan, thời gian tới thành phố sẽ khảo sát bài bản, khoa học để có thông tin chính xác, đầy đủ nhằm hoàn thiện hơn chất lượng của tuyến xe buýt nhanh.
Tuyến xe buýt nhanh Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD cho quãng đường khoảng 14,7 km. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.
Giai đoạn đầu, 24 xe buýt được đưa vào vận hành, trong đó ngày thường 20 xe, chủ nhật 14 xe, 4 xe dự phòng. Ngày thường, xe hoạt động với tần suất từ 5 đến 15 phút/lượt, chủ nhật từ 7 đến 15 phút/lượt. Thời gian xe mở cửa đón khách từ 5h đến 22h.
Giá vé mỗi lượt 7.000 đồng, sử dụng vé như xe buýt thông thường. Hà Nội miễn phí vé cho hành khách trong tháng đầu hoạt động (1-31/1).