Trong thư gửi đến Tiền Phong sau công văn đề nghị xử lý của Bộ GTVT, ông Bá cho rằng, ảnh sân bay Chek Lap Kok không phải là phối cảnh của sân bay Long Thành. Tuy nhiên, ông cho rằng sự việc (dùng ảnh sân bay này để chỉ sân bay kia) đã được đăng trên nhiều báo từ tháng 3/2013 nhưng Cục Hàng không Việt Nam không phát hiện ra. “Tôi đã phát hiện ra sai sót này, lẽ ra phải cảm ơn tôi mới đúng”, ông Bá viết.
Trước đó, ngày 22/5, một số báo điện tử đã đăng bài viết phản ánh ý kiến của ông Bá: “Điều sự thật 100% là hình thực sự của sân bay quốc tế Chek Kap Lok (Hồng Kông) đã bị nhận vơ là phối cảnh của sân bay quốc tế Long Thành để thuyết minh cho việc xây sân bay Long Thành”.
Về học vấn, ông Bá cho biết ông từng nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga (Liên xô cũ); nhưng chưa có bằng tiến sỹ tại hai trường này. Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) gia tăng, ông tự nghiên cứu “Luận án tiến sỹ giải pháp mở rộng để hiện đại đường sắt quốc gia tốc độ cao 150-200 km/h nhằm khai thông trục giao thông quốc gia nhằm giảm thiểu TNGT”.
Ông Bá đã gửi luận văn này dự thi nhưng Bộ GTVT lúc đó không áp dụng. Luận án này cũng đã được gửi đến Thủ tướng xem xét. “Tôi đã nhận trách nhiệm tiến sỹ trước Thủ tướng để cứu lấy sự nghiệp đường sắt quốc gia đang ngày càng đứng trước nguy cơ phá sản. Sau khi nghiên cứu xong, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT thực hiện song vẫn không chịu nghiệm thu luận án tiến sỹ và trao bằng tiến sỹ cho tôi”.
Ông Bá cho rằng: “Có thể nói đây là luận án tiến sỹ xuất sắc nhất trong 300 luận án tiến sỹ GTVT về đường sắt, để khai thông động mạch chủ, thay đổi toàn bộ cục – diện về giao thông và mở lối thoát cho thảm họa giao thông”, ông Bá viết.
Theo thông tư số 10 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ, người có nhu cầu phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo được cấp phép. Luận án tiến sỹ phải được bảo vệ tại hội đồng khoa học của cơ sở đào tạo thành lập.