Ông Putin toan tính gì?

TP - Đây là câu hỏi lớn trong bài phân tích dài trên báo Le Monde (Pháp) hôm 16/4: Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn kiểm soát, làm suy yếu hay bẻ vỡ Ukraine thành những mảnh nhỏ?

Báo chí phương Tây thừa nhận diễn biến thực tế ở miền đông Ukraine cho thấy chiến dịch “chống khủng bố” của Kiev đã phá sản. Mặc dù Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov vẫn nói cứng, song chính quyền trung ương hầu như bất lực chứng kiến quyền lực của mình bị “suy giảm từng giờ” theo nhận định của Le Monde.

Kiev tuyệt đối không thể ngồi yên khi đã nhận bài học cay đắng Crimea. Làm sao có thể chấp nhận để mất miền đông Ukraine - khu vực tập trung các trung tâm kinh tế, công nghiệp đóng góp tới 70% GDP Ukraine.

Song nếu dùng quân đội thẳng tay trấn áp biểu tình (điều mà Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych cũng không dám làm) dẫn đến đổ máu lớn, nội chiến sẽ bùng nổ. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn nếu xảy ra sẽ không thể lường được hậu quả, dẫn tới nguy cơ Nga can thiệp quân sự theo phê chuẩn của Quốc hội.

Thật ra, khả năng Nga động binh qua biên giới Ukraine rất thấp. Trước hết, ông Putin đã cam kết sẽ không lấy thêm “một tấc đất” nào của Ukraine. Nga chắc chắn không muốn bị mang tiếng xâm lược và hứng thêm các lệnh trừng phạt mới của phương Tây.

Thứ hai, lấy xong Crimea, Nga chưa thể “kê cao gối mà ngủ”, nhưng coi như mục tiêu chiến lược đã hoàn thành một nửa. Bán đảo Crimea với vị trí chiến lược hiểm yếu như chốt cửa khóa cứng đường tiến của NATO về phía đông, tạo bàn đạp cho Nga vươn ảnh hưởng sang cả khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông.

Khống chế Biển Đen, Nga ung dung thúc đẩy dự án “Dòng chảy phương Nam” được thiết kế để vận chuyển 63 tỉ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới Trung và Nam Âu. Cùng với hệ thống đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” dài 1.200 km nối Siberia với châu Âu qua biển Baltic, chỉ vài năm tới, khí đốt Nga sẽ không cần phải đi qua Ukraine nữa.

Thứ ba, với ảnh hưởng và sự gắn kết sâu đậm từ văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, tôn giáo, có thể coi đông Ukraine như “sân nhà” của Nga. Một khi đã là “sân nhà”, ai có thể tranh đoạt nổi với Nga? Không tốn nhiều công sức, Nga chứng minh chính quyền Kiev không đủ khả năng kiểm soát tình hình.

Ukraine còn phải đương đầu một trận chiến sinh tử khác. Kinh tế Ukraine đang trên miệng vực vỡ nợ, đồng nội tệ rớt giá liên tục. Từ tháng tới, giá khí đốt tăng thêm 63%. Các loại thuế nhà, bia, rượu, thuốc lá cũng sớm tăng theo. Khoảng 24.000 công chức và 80.000 cảnh sát sắp mất việc làm…

Điều ông Putin muốn thấy ít nhất là một nước Ukraine láng giềng trung lập, không gia nhập NATO. Cần nhớ Mỹ đã phản ứng ra sao trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, mới hiểu tại sao Nga không bao giờ chấp nhận Ukraine là thành viên NATO.

Nga đề xuất cải cách thể chế Ukraine theo mô hình liên bang như một giải pháp giải quyết khủng hoảng, điều chính phủ Kiev phản đối vì cho rằng đây là cái bẫy chiến lược. Có điều, Ukraine, EU và Mỹ hiện không có nhiều lựa chọn trong cuộc đấu với Nga.