Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc xây dựng đề án nhân sự cho nhiệm kỳ sau, TPHCM đang “làm gọn” quy trình. Theo đó, những người mới được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo ở khóa này thì sẽ làm tiếp khóa sau.
Ông Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng: Ở UBND TPHCM có anh Châu (Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu), anh Hoan (Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan) mới được HĐND TPHCM bầu ở khóa này thì sẽ làm tiếp ở khóa sau. HĐND TPHCM cũng vậy. Chủ tịch Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng mới được bầu khóa này thì khóa sau sẽ tiếp tục làm.
Bộ máy lãnh đạo Sở cũng theo nguyên tắc trên. Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết ông Trần Quang Lâm vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Giao thông vận tải; bà Lê Thị Huỳnh Mai vừa được bổ nhiệm là giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Lê Hòa Bình làm giám đốc Sở Xây dựng…nên đây cũng sẽ là những nhân sự lãnh đạo cho khóa tới.
“Trong Ban Thường vụ thì có Trưởng Ban Tuyên giáo (ông Phan Nguyễn Như Khuê), Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy (ông Nguyễn Hồ Hải), Bí thư Quận ủy quận 1 (bà Trần Kim Yến) mới bầu bổ sung và sẽ làm tiếp. Từ nay đến tháng 6 sẽ có một số ủy viên Ban Thường vụ, Thành ủy viên nghỉ hưu và sẽ tiếp tục bầu bổ sung. Trong đề án nhân sự khóa tới sẽ đảm bảo tỷ lệ nữ ít nhất là 15%. Ban Thường vụ có từ 5-6 đồng chí là các gương mặt mới”, ông Nhân tiết lộ.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết thêm: Dự kiến đề án nhân sự lãnh đạo khóa tới sẽ hoàn tất trong tháng 7 hoặc tháng 8 để trình Bộ Chính trị phê duyệt. Dự kiến đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
Trước đó vào chiều 28/12/2019, Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội nghị công bố dự thảo (lần 1) báo cáo chính trị đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, chủ đề của đại hội là “Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của nhân dân; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực và tận dụng mọi thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Báo cáo chính trị được chia làm ba phần chính. Phần thứ nhất nói về kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Phần thứ hai nêu lên mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ phát triển TP, xây dựng hệ thống chính trị TP nhiệm kỳ 2020 – 2025. Phần thứ ba là bốn chương trình phát triển TPHCM 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu trên từng lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân đạt 8,3%/năm. TPHCM giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước với đóng góp 23% GDP và 27% thu ngân sách cả nước.
Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động bằng 2,7 lần so với cả nước. Thu ngân sách năm 2019 là 402.000 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách TP giảm từ 23% xuống còn 18%. Tuy nhiên, dù tăng trưởng kinh tế đạt chỉ tiêu, song thực tế chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để bảo đảm các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao đã gây áp lực khá lớn cho ngân sách TPHCM.
Về 7 chương trình đột phá, báo cáo đánh giá đã góp phần vào sự phát triển của TPHCM. Cụ thể: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao toàn diện trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Chương trình cải cách hành chính mang lại hiệu quả thiết thực, ngày càng đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị có nhiều chuyển biến, vừa giải quyết cải tạo, chỉnh trang khu vực bên trong nội thành, vừa giải quyết về đầu tư và nâng cao chất lượng theo hướng văn minh, hiện đại.
Chương trình giảm ngập nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả nhất định, bước đầu góp phần dữ vững ổn định chính trị - xã hội, phòng chống ngập úng khu dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông có nhiều nỗ lực và tiến bộ, tai nạn giao thông được kéo giảm qua các năm, ùn tắc được kiềm chế và từng bước được cải thiện. Chương trình giảm ô nhiễm môi trường được triển khai tích cực, từng bước kiểm sóat và có giải pháp khắc phục ô nhiễm... Tuy nhiên một số chương trình đột phá có mức độ hoàn thành còn hạn chế.
Về các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự thảo báo cáo chính trị đưa ra tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm khoảng 8,5%, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt trên 8.500 USD/người (giảm so với nhiệm kỳ trước – 9.800 USD/người - PV). Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP... TPHCM cũng phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về PAPI, PCI và PAR-index.
Nhiều nhiệm vụ và giải pháp 5 năm tới 2020 - 2025 cũng được đưa ra. Cụ thể như phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ phát triển kinh tế làm nền tảng cho TP phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; đổi mới quản lý TP.HCM...
Về các chương trình phát triển TP.HCM giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM đưa ra ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm phát triển.
Ba chương trình đột phá gồm: đột phá đổi mới quản lý, đột phá phát triển hạ tầng, đột phá quản lý nhân lực và văn hóa. Trong mỗi chương trình đột phá đều có rất nhiều đề án cụ thể, như trong đột phá đổi mới quản lý TP.HCM có các đề án như chính quyền đô thị, xây dựng thành phố thông minh, đề án chuyển đổi số...
Chương trình trọng điểm là phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TP.HCM. Trong đó có các chương trình cụ thể như phát triển giống cây, liên kết phát triển du lịch, đề án hợp tác các ngân hành...