Ông Lưu Bình Nhưỡng: Biết hổ thẹn, họ đã chẳng 'hôi hoa'

TP - “Hành động “hôi hoa”, “hôi của” như vậy đâu chỉ phản ánh văn hóa đạo đức yếu kém, mà còn là hành vi ăn cắp, vi phạm pháp luật. Đáng tiếc, chúng ta lại không có được những chế tài đủ mạnh để xử lý, để người ta phải biết sợ, biết nhục”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng trò chuyện với PV Tiền Phong quanh sự việc nhiều người “hôi hoa” ở Hà Nội vừa qua.
“Hôi hoa” phản cảm diễn ra trên đường Kim Mã, Hà Nội

Sau “hôi bia”, “hôi hoa” là gì?

Hà Nội đẹp và thanh lịch trước và trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy nhiên có những hình ảnh phản cảm, xấu xí như “hôi hoa” trên đường Kim Mã vừa qua khó xóa nhòa. Ông nhìn nhận, đánh giá gì về cảnh tượng này?

Trong trường hợp này, nhiều người đều cùng chung một suy nghĩ, nhìn nhận như tôi. Có thể nói “hôi hoa” là những hành động thiếu văn hóa, tư hữu cá nhân rất lạc hậu, làm mất đi hình ảnh thanh lịch, văn minh của người Thủ đô. Có nhiều người ở các địa phương khác gọi điện phản ánh với tôi về sự việc này. Người ta thấy rất buồn vì người dân Thủ đô gì mà thái độ, tác phong lại xấu xí đến như vậy? Cách cư xử thiếu văn hóa như thế là không thể chấp nhận.

Hoa vốn đẹp và chúng ta thường thích hoa. Thế nhưng ở đây cần phải phân biệt đó cũng là một loại tài sản. Và đó là tài sản chung. “Hôi hoa”, “hôi của” giữa thanh thiên bạch nhật như vậy là hành vi ăn trộm, ăn cắp. Tình trạng tương tự như thế này đã tồn tại từ lâu lắm rồi, chẳng hiểu sao người ta lại cứ để xảy ra như vậy.

Hết “hôi bia”, “hôi bánh kẹo”, giờ lại đến “hôi hoa”… rồi đây người ta còn “hôi” cái gì nữa? Thật đáng buồn khi chúng ta không học tập được tấm gương của người Nhật trong trận sóng thần ở Fukushima.

Ông Lưu Bình Nhưỡng

“Tâm lý đám đông chỉ là sự kích thích thôi, còn điều quan trọng nhất ở đây là nền tảng văn hóa thấp. Cái gì đã không phải của mình thì đừng có xâm phạm, nhưng ở đây lại còn ngang nhiên chiếm đoạt như thế. Người đi bộ, đi xe máy đã vậy, lại còn cả ô tô cũng tranh thủ dừng lại. Điều này không còn là vấn đề bình thường nữa, mà là vấn đề vi phạm pháp luật”. Ông Lưu Bình Nhưỡng

            

Theo ông điều này đơn giản chỉ xuất phát từ tâm lý đám đông, hay nghiêm trọng hơn là hành vi vi phạm pháp luật?

Tâm lý đám đông chỉ là sự kích thích thôi, còn điều quan trọng nhất ở đây là nền tảng văn hóa thấp. Cái gì đã không phải của mình thì đừng có xâm phạm, nhưng ở đây người ta lại còn ngang nhiên chiếm đoạt như thế. Người đi bộ, đi xe máy đã vậy, lại còn cả ô tô cũng tranh thủ dừng lại. Điều này không còn là vấn đề bình thường nữa, mà là vấn đề vi phạm pháp luật. Tâm lý đám đông gì mà vượt cả quy phạm đạo đức, vượt cả quy phạm pháp luật để hành xử như vậy? Tôi cho rằng, những hình ảnh như vậy rất xấu, không thể chấp nhận.

Nền tảng văn hóa và pháp lý kém như vậy, nhưng đáng tiếc chúng ta lại không có được những chế tài đủ mạnh để xử lý, để họ phải biết sợ, biết nhục. Về đạo đức người làm việc đó thì phải biết nhục, về pháp lý thì họ phải biết sợ. Chính vì thế mà phải có hình phạt, có lên án, xử lý thì mới tạo ra khuôn khổ, để nếu anh không tự giác được thì dứt khoát phải có chế tài để buộc anh vào khuôn khổ. Thật đáng tiếc, chúng ta chưa làm được điều đó.

Nếu gợi ý là tiếp tay cho vi phạm

Ngoài lỗi từ phía người “hôi hoa”, nhiều người nhắc đến vai trò và trách nhiệm của đơn vị phụ trách trực tiếp, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Nhiều người cũng đặt câu hỏi, có hay không việc nhân viên công ty rỉ tai, gợi ý để dân “hôi hoa”? Ngược lại, nếu quyết liệt ngăn cản, thì sự việc “hôi hoa” ấy không diễn ra nghiêm trọng như vậy?

Vì không trực tiếp có mặt tại đó nên tôi cũng không biết nhân viên của công ty có nói, hay gợi ý điều gì không. Tất nhiên, người ta cũng có thể đặt ra giả thiết như vậy. Nếu giả sử có chuyện như thế, thì đó là sự tiếp tay cho vi phạm, bởi đơn vị phụ trách phải biết gìn giữ, bảo vệ.

Nếu xảy ra vi phạm, người phụ trách phải chụp ảnh, quay phim lại, thậm chí tìm cách bắt giữ người vi phạm, nếu không có chức năng xử lý thì kịp thời báo với cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng nếu anh làm ngơ, lại trở thành tòng phạm thì càng không thể chấp nhận được. Đương nhiên ở đây có trách nhiệm từ phía Công ty Công viên cây xanh Hà Nội. Muốn hay không công ty này vẫn phải có trách nhiệm liên đới.

Không chỉ “hôi hoa” phản cảm, những hình ảnh như giẫm đạp lên hoa, vứt rác bừa bãi vẫn diễn ra trong nhiều sự kiện nhất là vào mỗi dịp lễ, tết. Điều này do ý thức của người dân hay vì sự quản lý yếu kém, thưa ông?

Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước ở Hà Nội phải hình dung và thiết kế được một môi trường văn hóa, đó là cái chung nhất. Bản thân người Hà Nội luôn coi mình là thanh lịch, nhưng lại không tạo ra được một môi trường, hình ảnh thực sự của người Hà Nội. Nhiều nội dung tuyên truyền nhưng vẫn chỉ nằm trên lý thuyết thôi. Vậy bây giờ phải tạo ra một hình ảnh thực sự bằng cách nào?

Theo tôi, Hà Nội phải tạo ra bằng một hệ thống các quy định, từ cung cách ứng xử nơi xóm làng, đường sá, hay lễ hội ra làm sao, rồi đến quản lý đô thị văn minh hiện đại như thế nào… Điều quan trọng nhất là phải thực hiện nghiêm các quy định đó. Chính vì quản lý đô thị của chúng ta hiện còn cực kỳ lỏng lẻo mới dẫn đến việc có quy định rồi nhưng lại không duy trì được.

Hà Nội cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, đặc biệt là xử lý các hành vi vi phạm, vốn không được chú trọng trong thời gian qua. Tôi xin hỏi, đã bao nhiêu người bị xử lý vi phạm ở lòng đường, vỉa hè, trong khi đó tình trạng vi phạm thì diễn ra nhan nhản? Trong một con ngõ nhỏ mà có đến hàng trăm người buôn bán, mỗi bên chiếm 1/3 lòng đường, vỉa hè nhưng cũng chẳng ai quan tâm xử lý cả.

Có thể nói, từ quy định đến việc triển khai thực hiện đều yếu kém, nên việc xây dựng văn minh đô thị ở Hà Nội còn thiếu tính thực chất. Cho nên một bộ phận người Thủ đô, kể cả người ở lâu năm đến những người mới về sinh sống, người ta không cảm nhận được và không thấy có trách nhiệm của mình đối với môi trường; xây dựng trật tự, văn minh đô thị.

Nói về câu chuyện xử phạt, vừa qua, phó chủ tịch UBND thành phố có chia sẻ rằng, anh em công an, cảnh sát giao thông rất trăn trở, vì “nếu xử phạt nặng lại đánh thẳng vào nồi cơm của dân nghèo”?

Đó là một sự bao biện. Thậm chí đó còn là sự tiếp tay cho hành vi thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật. Chúng ta đừng lấy cái nghèo ra để bao biện. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Tại sao lại tiếp tay, lại trăn trở với những vi phạm? Nếu cứ để như thế, cứ tư duy như vậy thì một Thủ đô hàng nghìn năm sau nữa vẫn luôn ở trong tình cảnh lộn xộn, ô nhiễm. Vả lại, có ai biết người vi phạm nghèo thực sự? Thực tế, có những người còn lợi dụng lòng thương hại của người khác để vi phạm pháp luật.

Chúng ta không nên cưu mang những người vi phạm, để xâm phạm quyền lợi chung, vi phạm trật tự công cộng. Điều đó không thể chấp nhận được. Muốn có một hình ảnh đẹp, văn minh, hiện đại thì phải có kỷ luật và xử lý vi phạm. Nếu cứ tiếp tục bỏ qua những hành vi nhỏ nhất ấy thì sẽ có lúc chúng ta phải hứng chịu những hệ quả, thiệt thòi vô cùng to lớn.

Cảm ơn ông!