Xóm Vạn Buồng, thôn Phú Đông (xã Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) bị tách biệt bởi một nhánh sông Thu Bồn chảy qua. Dân trong xóm đi lại rất khó khăn, trẻ em đi học phải qua đò, lội sông mà đi. Khi nhà có người ốm mà gọi xe cấp cứu thì xe cũng không qua sông được. Người làm ăn mua nguyên vật liệu giá đắt hơn vì phải vận chuyển bằng sông… Thấy vậy, ông Nguyễn Tráng (xóm Vạn Buồng) một mình cầm nón đi vận động bà con, con em quê hương xã Duy Trinh làm cầu.
Bản vẽ và niềm tin
Khó khăn đầu tiên là phải làm cho dân tin, chính quyền hỗ trợ. “Phải có bản thiết kế cầu cho dân thấy. Nhưng tìm được đơn vị thiết kế thì tôi chẳng có tiền. Cuối cùng, nhờ người trong thôn, tôi tìm được một kỹ sư cầu đường là người con quê hương xã Duy Trinh, nhờ cậu ấy giúp thiết kế. Sau đó, tôi may mắn tìm được một người con Duy Trinh khác là giám sát công trình về giúp bà con”, ông Tráng kể về quá trình vận động xây cầu bê tông. Ông đem bản vẽ lên cho huyện và tỉnh xem xét. “Họ sợ tôi không có vốn làm, tôi nói tôi có 50 triệu, họ đồng ý luôn”, ông cười.
Ông Tráng bảo, ruộng lúa có người cày, đường có dân đi, cầu cho xe chạy, người qua, niềm vui ở tuổi 85 chừng ấy là đủ.
Kỳ thực, ông Tráng chẳng có đồng nào, ngoài niềm tin sẽ vận động được. Ông gửi thư đến Hội đồng hương tại TPHCM và Hội mời ông vào Nam họp. Thế là, ông lão cùng một thanh niên trong xóm khăn gói lên đường. Ông bảo: “Già rồi, chân run, đi một mình xảy ra chuyện lại khổ con cháu, tôi nhờ xóm cử người đi cùng”. Con dân Duy Trinh tại miền Nam nhận lời đóng góp, rồi chính quyền và người dân thôn, xóm cùng tham gia.
Ông Tráng đặt viên đá đầu tiên xây cầu bê tông hồi tháng 3/2012. Trước đó, hồi 50 tuổi, ông Tráng cùng vài người dân trong thôn đi xin sắt phế liệu từ đường ray xe lửa cũ để dựng cầu sắt qua sông. Nhưng rồi sau đó mưa lũ lớn, cầu sắt bị trôi, người dân chạy thuyền máy trên sông vớt sắt đem bán phế liệu. Ông lại lặn lội mót từng đoạn tre bắc thành cầu. Nhưng rồi nước lũ lại cuốn trôi cầu tre. Cứ mỗi lần hết lũ, ông lại chặt tre làm cầu mới.
“Tính khả thi của cầu tre không cao, tôi nghe người ta bảo cầu phao giữ tốt hơn, thế là bắt đầu làm cầu phao”, ông kể. Sáu năm trước, ông cùng bà con làm cầu phao, nhưng lũ lụt cũng làm đứt cầu. Thế là ông quyết định làm cầu bê tông. Cầu hoàn thành hồi tháng 8/2012 với 10 nhịp, dài 84m, rộng 2,7m, đường dẫn dài 14m. Chi phí xây cầu hơn 1,3 tỷ đồng, chưa kể công sức bà con đóng góp.
Cha bệnh nuôi con liệt
Con trai ông Tráng, anh Nguyễn Hùng, làm nghề lái xe tải trong Nam. Năm 2000, xe lật khiến anh bị thương nặng, trở thành người tật nguyền, phải ngồi xe lăn suốt đời. Nay anh Hùng 42 tuổi, không vợ con. Ông Tráng nói: “Nó bảo làm có tiền rồi mới lấy vợ, giờ chẳng vợ cũng chẳng con, lại tật thế, chẳng làm gì được”. Năm 2010, vợ ông qua đời. Bây giờ, hai cha con làm nuôi nhau.
“Mấy hôm trước, tôi phải chống gậy đi vì căn bệnh u sưng gan, đi bệnh viện, bác sĩ sợ tôi già không chịu nổi xạ trị, nên bảo tôi về uống thuốc. Tôi uống từ thuốc bắc đến thuốc nam, giờ đỡ hơn, nhưng chẳng biết sống được đến khi nào”, ông Tráng trầm ngâm.